Thứ sáu, 29 Tháng 9 2017 04:25

Xây dựng nông thôn mới: Tập trung cho hạ tầng thương mại nông thôn

          Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn là tiêu chí quan trọng, thiết thực trong việc xây dựng nông thôn mới. Chợ, siêu thị mi-ni, cửa hàng tiện ích sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua bán, trao đổi hàng hóa để tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, chợ nông thôn còn là nơi giao lưu gặp gỡ, giữ gìn nét văn hóa dân tộc của bà con nhân dân.

Xay dung NTM Tap trung cho ha tang thuong mai NT

Người dân mua bán tại chợ Điềm He, xã Văn An, huyện Văn Quan

          Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 162/207 xã đạt tiêu chí 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Trong đó, có 23 chợ đã được cải tạo, nâng cấp xây mới, 21 chợ xã đã có quy hoạch xây dựng mới giai đoạn 2021-2025 và và 118 xã không có quy hoạch chợ. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2025, nhằm thúc đẩy giao lưu, trao đổi hàng hoá giữa thương nhân và bà con nhân dân địa phương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

          Tuy nhiên, thời gian qua, việc huy động các nguồn vốn dành cho việc nâng cấp, cải tạo, xây mới  chợ nông thôn thuộc chương trình còn đạt thấp. Vốn đầu tư chủ yếu được huy động từ các nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các hộ kinh doanh. Đồng thời, ban quản lý chợ tại các chợ nông thôn và các hộ kinh doanh còn hạn chế về năng lực quản lý, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy.

          Như huyện Bắc Sơn có 11/19 xã có chợ đạt loại 3 có dưới 200 điểm kinh doanh có quy mô kết cấu xây dựng bán kiên cố. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Bắc Sơn, hầu hết các chợ này đều cơ bản đáp ứng được yêu cầu về diện tích nhưng nếu xét theo tiêu chí hạ tầng kỹ thuật của chợ thì hoàn toàn chưa đạt như chợ có diện tích mái che chiếm 40%, đất giao thông nội bộ, bãi đỗ xe lớn hơn 25%, đất cây xanh, sân vườn 10% và các yêu cầu về hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường...

          Ông Lê Xuân Lô, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết: Do nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và địa phương đầu tư cho các xã xây dựng chợ nông thôn còn hạn hẹp và chỉ đầu tư cho một số hạng mục công trình nên việc xây dựng chợ tại các xã còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, công tác xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ nông thôn còn nhiều vướng mắc do đầu tư vào các chợ nông thôn vùng sâu, vùng xa khó có khả năng thu hồi vốn nhanh.

          Để phát triển thương mại cũng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, từ nay đến năm 2020, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan cùng các huyện tập trung cải tạo, xây dựng và mở rộng mạng lưới chợ nông thôn. Đối với vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tập trung đầu tư các chợ trung tâm cụm xã và các điểm dân cư tập trung, duy trì tốt việc họp chợ phiên. Theo kế hoạch, đến hết năm 2017, toàn tỉnh sẽ có 166/207 xã đạt tiêu chí số 7, chiếm tỷ lệ 80,19% và đến hết năm 2020 có 168 xã.

          Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, các đề án phát triển thương mại, hạ tầng thương mại khu vực nông thôn tỉnh cũng tạo cơ chế, chính sách thu hút khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại, các tổng đại lý ở khu vực thành thị phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, đại lý mua, bán hàng hoá về khu vực nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện để người dân giao thương, phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn theo đúng mục tiêu nông thôn mới.

Nguồn: baolangson.vn