Thứ tư, 07 Tháng 6 2023 16:20

Xây dựng đường giao thông nông thôn: Kinh nghiệm ở Lộc Bình

Năm 2023, huyện Lộc Bình xây dựng kế hoạch cứng hoá 30 km đường giao thông nông thôn các loại. Đến nay, toàn huyện đã cứng hoá được 16,5 km, tương đương 55% kế hoạch theo phương thức Nhà nước hỗ trợ Nhân dân tự làm (cao gần gấp đôi so với bình quân chung toàn tỉnh).

Từ năm 2021 đến nay, công tác mua xi măng phải thực hiện đấu thầu rộng rãi, ông Vi Văn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế  – Hạ tầng huyện Lộc Bình cho biết: Ngay sau khi được giao chỉ tiêu ngân sách đầu năm 2023, UBND huyện đã yêu cầu phòng phải thực hiện công tác đấu thầu ngay trong những tháng đầu năm để phân bổ cho các xã làm đường theo kế hoạch. Do đó, việc đấu thầu rộng rãi mua sắm xi măng đã được phòng khẩn trương thực hiện theo quy định và hoàn thành thủ tục lựa chọn trong tháng 2/2023.

 1 1 1

Tuyến đường giao thông nông thôn tại khu 5A thị trấn Na Dương mới được cải tạo nâng cấp

Nhờ đó, nhu cầu xi măng làm đường của Nhân dân tại các xã được đáp ứng kịp thời, góp phần phát triển phong trào làm đường của huyện. Tính đến hết tháng 5/2023, huyện đã hoàn thành phân bổ 2.392 tấn xi măng cho 21 xã, thị trấn và có 18/21 xã đã thực hiện xong chỉ tiêu sử dụng xi măng.

Để sử dụng hiệu quả nguồn xi măng đã phân bổ, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện yêu cầu các xã đăng ký danh mục công trình, chuẩn bị đủ vật liệu, mặt bằng, được nghiệm thu nội bộ bằng văn bản. Sau đó, phòng kiểm tra thực tế, đủ điều kiện mới giao xi măng để thực hiện.

Đối với những xã có cán bộ địa chính mới được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm trong cách triển khai, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn thực hiện. Trong quá trình thi công, các xã phải thực hiện nghiêm thiết kế mẫu do Sở Giao thông vận tải ban hành, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật như: độ dày, chiều rộng, vật liệu đầu vào, tỷ lệ pha trộn bê tông, quy trình bảo dưỡng…

Bà Lăng Thị Thanh, Trưởng khu dân cư số 5A, thị trấn Na Dương cho biết: Hệ thống hạ tầng giao thông của khu được cứng hoá từ lâu nhưng nhiều đoạn đã xuống cấp, do đó nhu cầu mở rộng, nâng cấp các đoạn tuyến đến các nhóm hộ rất lớn. Đầu năm 2023, Nhân dân các nhóm hộ đã đề xuất cải tạo, nâng cấp 4 đoạn đường với tổng chiều dài khoảng 450 m. Để thực hiện, khu đã họp lấy ý kiến nhằm xác định quy mô đầu tư, mức độ đóng góp, thời gian thực hiện… Sau khi đã thống nhất, khu thành lập ban xây dựng, triển khai thu kinh phí, đề xuất danh mục và xin xã cấp xi măng xây dựng công trình.

Do đó, trong 5 tháng đầu năm, khu đã xây dựng xong 2 đoạn với tổng chiều dài 260 m, mặt đường rộng 3 m, sử dụng hết 23 tấn xi măng, Nhân dân đóng góp gần 52 triệu đồng tiền mặt để làm đường. Hiện khu đang  tiếp tục cải tạo, nâng cấp 2 đoạn còn lại với chiều dài 190 m, đã tập kết 100 m3 cát đá, mặt bằng đối ứng, dự kiến hoàn thành xây dựng trong tháng 6/2023.

Được biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, thị trấn Na Dương đã cải tạo, nâng cấp được 7 đoạn tuyến với chiều dài 971 m, sử dụng hết 80 tấn xi măng và Nhân dân góp 186 triệu đồng tiền mặt để làm đường.

Còn tại xã Tú Mịch, trong 5 tháng đầu năm xã đã hoàn thành xây dựng 3 tuyến đường tại thôn Bản Luồng, Bản Phải, Bản Roọc với tổng chiều dài 850 m và Nhân dân đóng góp 244 triệu đồng tiền mặt để mua vật liệu và sử dụng hết 140 tấn xi măng Nhà nước cấp.

Ông Lương Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Tú Mịch cho biết: Hiện nhu cầu xi măng làm đường của xã còn rất lớn, nhất là các tuyến đường đến các nhóm hộ, vì thế xã đã đề nghị huyện tiếp tục cân đối bổ sung xi măng cho xã trong 6 tháng cuối năm để Nhân dân làm đường, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Lộc Bình, đến hết tháng 5/2023, toàn huyện có 159 tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng tại 21 xã thị trấn, đã có 18/21 xã thực hiện xong 110 tuyến đường với tổng chiều dài 16,5 km, tổng kinh phí Nhân dân đóng góp hơn 3,5 tỷ đồng.

Đối với 49 tuyến với chiều dài hơn 6,6 km, các xã đang chuẩn bị triển khai dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022. Trong quá trình triển khai, Phòng Kinh tế – Hạ tầng đã trực tiếp kiểm tra thực địa được 40 cuộc với 80 lượt công trình được kiểm tra trực tiếp.

Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Huy động nguồn lực để mua xi măng phục vụ nhu cầu của các xã hoàn thành và vượt kế hoạch cứng hoá 30 km đường giao thông năm 2023 đang được huyện ưu tiên cân đối trong 6 tháng cuối năm. Bởi thực tế, nhiều tuyến đường nông thôn trước đây được cứng hoá nhưng quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, giao thương giai đoạn hiện nay.

Thực tế cho thấy, cách làm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại huyện Lộc Bình trong thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn 5 tháng đầu năm 2023 đáng để các huyện khác tham khảo. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: baolangson.vn