Thứ ba, 24 Tháng 10 2017 08:53

Sản xuất nông nghiệp: Tập trung phát triển vùng chuyên canh

          Năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 8 vùng trồng và sản xuất chuyên canh, trong đó có một số vùng cây trồng cho giá trị kinh tế cao như: vùng hồi, thạch đen, thuốc lá…

SX NN Tap trung PT vung chuyen canh

Lãnh đạo huyện Bắc Sơn kiểm tra vùng quýt tại xã Chiến Thắng

          Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, tỉnh sẽ phát triển 19 vùng cây nguyên liệu, tập trung vào những cây trồng thế mạnh. Đến nay đã lựa chọn một số cây trồng mũi nhọn để xây dựng và hình thành được 8 vùng sản xuất chuyên canh tập trung gồm: vùng cây công nghiệp có hồi, thạch đen, thuốc lá, chè; vùng rau; vùng cây ăn quả có quýt, hồng không hạt, na. Trong đó, có một số sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế cao như: hồi, na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, thạch đen Tràng Định, hồng Bảo Lâm…

          Điển hình như vùng chuyên canh cây hồi tập trung ở 3 huyện: Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với tổng diện tích hơn 34.000 ha, sản lượng bình quân hằng năm từ 6.000 đến 7.000 tấn hồi khô, tổng doanh thu đạt trên 2.500 tỷ đồng, chưa tính các dịch vụ và sản phẩm qua chế biến. Hiện tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hồi, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Bắc Mỹ, Pháp, Đức và một số nước châu Âu.

          Cùng với vùng hồi, vùng thạch đen cũng cho giá trị xuất khẩu cao, tập trung ở hai huyện: Tràng Định, Bình Gia với diện tích trồng hằng năm từ 1.500 đến 2.000 ha, cho sản lượng trên 10.000 tấn cây khô, doanh thu bình quân đạt 120 tỷ đồng. Thạch đen Tràng Định đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

          Bà Nông Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Theo quy hoạch, Tràng Định có 20 xã trong vùng chuyên canh thạch đen, chiếm khoảng 80% tổng diện tích. Hiện nay, huyện vừa tổ chức tập huấn kỹ thuật, vừa kết hợp tuyên truyền để người dân mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng thạch đen, phấn đấu thực hiện mục tiêu mà tỉnh đề ra đến năm 2020, nâng tổng diện tích thạch đen lên 2.760 ha, đạt sản lượng 17.940 tấn và đến năm 2030 đạt diện tích 3.290 ha, sản lượng đạt hơn 23.000 tấn.

          Bên cạnh những cây truyền thống, mũi nhọn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh cây lâm nghiệp như: vùng cây thông tại hai huyện: Lộc Bình, Đình Lập; vùng cây keo, bạch đàn tại huyện Hữu Lũng; vùng cây dược liệu tại huyện Đình Lập… Đặc biệt, tỉnh đang tập trung phát triển vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã: Gia Cát, Tân Liên, huyện Cao Lộc, hướng đến xuất sản phẩm tới thị trường các tỉnh, thành trên cả nước.

          Để phát triển vùng chuyên canh theo quy hoạch, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách và cơ chế khuyến khích người dân trong vùng quy hoạch thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp có quỹ đất, vốn tham gia đầu tư vào các loại cây mục tiêu. Trong đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngân hàng thương mại có kế hoạch cho các chủ trang trại, các hộ gia đình nông dân vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại, các hộ gia đình đầu tư vào lĩnh vực phát triển các vùng cây nguyên liệu được thuận lợi.

          Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Một vấn đề quan trọng để có thể phát triển và mở rộng vùng chuyên canh là đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng người nông dân sản xuất theo kế hoạch, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tăng cường đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho lao động nông nghiệp, nông thôn; định hướng phát triển các loại cây nguyên liệu đúng vùng đã lựa chọn với quy mô đã duyệt để phát triển bền vững.

Nguồn: baolangson.vn