Thứ sáu, 28 Tháng 7 2023 16:11

Kim Đồng: Phát triển đa dạng các mô hình sản xuất

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Kim Đồng, huyện Tràng Định đã chú trọng định hướng, hỗ trợ người dân phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

LIEU CHANG
Người dân thôn Nà Thà, xã Kim Đồng chăm sóc vườn ươm cây quế

Ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bên cạnh sự chủ động của người dân, UBND xã căn cứ vào điều kiện thực tế, hướng dẫn bà con chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Cùng đó, chính quyền xã tổ chức rà soát nhu cầu của người dân để hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo đó, trung bình mỗi năm, UBND xã phối hợp với phòng chuyên môn huyện tổ chức từ 6 đến 8 lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; phối hợp tổ chức mỗi năm từ 1 đến 3 lớp học nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng cây ăn quả và chăn nuôi cho trên 100 lượt người tham gia. Cùng đó, UBND xã còn tuyên truyền, vận động người dân thành lập các hợp tác xã (HTX). Toàn xã hiện có 3 HTX đăng ký hoạt động gồm: HTX Thạch đen Tràng Định, HTX Nông lâm nghiệp xã Kim Đồng, HTX sản xuất, chế biến dược liệu Tràng Định.

Ông Lộc Văn Phong, thôn Nà Múc cho biết: Gia đình tôi có 7 ha quế và 5 ha hồi. Năm 2020, tôi được tham gia tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc nên rừng hồi phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được 3 đến 4 tấn hồi tươi. Từ trồng quế, hồi, mỗi năm gia đình có nguồn thu gần 200 triệu đồng.

Đồng thời, cấp ủy, chính quyền xã còn lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Cụ thể, từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2019 đến nay, UBND xã đã hỗ trợ người dân xây dựng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ quýt, hỗ trợ phát triển mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, hỗ trợ mô hình trồng, chăm sóc thạch đen và mô hình chăm sóc hồi hữu cơ với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Trong đó, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Ngoài ra, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi thông qua các ngân hàng để phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ toàn xã qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt trên 18,7 tỷ đồng với 351 hộ vay vốn. Nguồn vốn được bà con sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Với sự chủ động của người dân và sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền xã, đến nay người dân toàn xã đã phát triển được 50 mô hình sản xuất như: mô hình trồng quế (trên 1.000 ha); mô hình trồng hồi (250 ha); mô hình trồng thạch đen (trên 120 ha); mô hình trồng quýt (170 ha); mô hình ươm cây giống lâm nghiệp (quy mô trên 500 vạn cây giống/năm), mô hình nuôi cá lồng… đem lại thu nhập từ 100 đến 250 triệu đồng/năm cho trên 120 hộ dân; điển hình có một số hộ có thu nhập cao gần 500 triệu đồng/năm như hộ ông: La Văn Đà, Nông Văn Huyên, La Văn Ưu (thôn Nà Thà với mô hình ươm giống cây quế, hồi), La Văn Tuyển (thôn Pàn Dào với mô hình trồng quế, hồi)… Ngoài ra, trên địa bàn xã còn phát triển một số mô hình mới như: mô hình trồng cây cát sâm, mô hình nuôi trâu sinh sản.

Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian qua, huyện đã chú trọng phát triển kinh tế từ các mô hình sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Trong đó, Kim Đồng là một trong những xã phát huy tốt lợi thế của địa phương phát triển sản xuất với đa dạng các mô hình. Trong đó, xã đã tập trung phát triển 3 cây trồng chủ lực của huyện là: quế, hồi và thạch đen. Qua đó, giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Việc phát triển các mô hình sản xuất trên địa bàn xã đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt gần 34 triệu đồng/người/năm, tăng 11 triệu đồng so với năm 2016.

Nguồn: baolangson.vn