Thứ sáu, 28 Tháng 10 2022 15:41

Thống Nhất: Vươn lên từ rừng

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về lâm nghiệp, những năm qua, người dân xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đã tích cực đẩy mạnh trồng rừng, trong đó, tập trung trồng thông. Từ thông, đời sống người dân ngày một nâng lên, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thống Nhất là xã vùng III còn nhiều khó khăn của huyện Lộc Bình với 3.027 ha đất lâm nghiệp, chiếm 64% diện tích tự nhiên. Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây thông đã được người dân trên địa bàn xã trồng từ năm 2002 thông qua các dự án như: Việt Đức, 661. Những năm sau đó, người dân tiếp tục kế thừa và phát triển việc trồng, chăm sóc, và mở rộng diện tích rừng thông qua các năm. Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu về nhựa và gỗ thông hiện nay đang cao, thương lái trực tiếp đến thu mua, nguồn cung thường không đủ nên người dân rất yên tâm đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có gần 1.000/1.600 hộ tại 16/18 thôn trồng thông. Tổng diện tích thông trên địa bàn xã hiện có 2.203 ha, trong đó, khoảng 50% diện tích đã đến kỳ thu hoạch, đây là cũng một trong xã có diện tích thông cho thu hoạch cao trên địa bàn huyện. Thông được người dân trồng tập trung chủ yếu ở các thôn như: Nà Pán, Nà Mò, Hán Sài,…

 1 5

Người dân thôn Tằm Phiêng, xã Thống Nhất khai thác nhựa thông

Nhờ chú trọng phát triển rừng thông, những năm qua, nhiều hộ ở xã đã có nguồn thu đáng kể từ thông. Gia đình anh Hoàng Văn Kiên, thôn Nà Pán, là một trong những hộ trồng thông lâu năm tại xã. Anh Kiên cho biết: Năm 2002, theo dự án trồng thông Việt Đức, gia đình tôi trồng được hơn 1 ha thông. Trong quá trình trồng và chăm sóc, nhận thấy cây phát triển tốt nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên 3 ha thông. Năm 2018, gia đình tôi bắt đầu khai thác nhựa, trung bình mỗi năm cho thu được từ 4 đến 5 tấn nhựa thông, với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, đem lại thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng/năm.

Ông La Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định kinh tế đồi rừng là mũi nhọn, trong đó, cây thông là chủ lực, hằng năm, cấp ủy chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Nhân dân tích cực đăng ký trồng, sau khi khai thác tiếp tục trồng mới, trồng dặm. Đồng thời, hằng năm xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con về hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp, trong đó có cây thông. Hiện nay, bên cạnh việc phát triển trừng thông, một số hộ còn tự ươm cây giống để mở rộng diện tích rừng của gia đình.

Đặc biệt, để người dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển lâm nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Bình. Đến nay, tổng dư nợ cho vay đạt gần 43,1 tỷ đồng, với 792 hộ vay, trong đó, khoảng 80% hộ vay với mục đích trồng và chăm sóc rừng thông và đa phần các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, mang lại thu nhập cao.

Chị Triệu Thị Mấy, thôn Nà Mò chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, có diện tích đất rừng nhưng lại thiếu vốn để chăm sóc. Năm 2015, được Đoàn Thanh niên xã tuyên truyền về chương trình cho vay của NHCSXH, tôi đã vay 70 triệu đồng để chăm sóc 2 ha thông hiện có. Nhờ được vay vốn ưu đãi tiếp sức kịp thời, năm 2018, cây đến tuổi cho khai thác nhựa, tôi thu được 5 tấn nhựa, đem lại thu nhập trên 150 triệu đồng. Năm 2020, gia đình tôi thoát nghèo và tiếp tục vay 50 triệu đồng để trồng thêm 3 ha thông.

Bên cạnh hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả, chính quyền xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra chất lượng rừng trồng; định hướng và khuyến cáo bà con chủ động chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng.

Hiệu quả kinh tế từ cây thông đã và đang giúp nhiều người dân trên địa bàn xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ thông, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 17,1% (giảm 30% so với năm 2016); thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 30 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2016.

Nguồn: baolangson.vn