Thứ sáu, 05 Tháng 11 2021 15:44

Hỗ trợ sản xuất cho các thôn biên giới đặc biệt khó khăn: Tạo động lực phát triển kinh tế

Mặc dù việc triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cho các thôn đặc biệt khó khăn thuộc 18 xã biên giới trên địa bàn tỉnh mới được triển khai thực hiện, song bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế cho người dân.

Năm 2020 là năm đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc 18 xã biên giới đặc biệt khó khăn theo Đề án 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng nùi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững (Đề án 1385).

Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, năm 2020, tỉnh đã phân bổ 9,1 tỷ đồng để các xã triển khai các mô hình sản xuất theo Đề án 1385. Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã đối ứng thêm hơn 7,1 tỷ đồng.

 ho tro

Mô hình trồng nghệ đen từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Đề án 1385 tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định sinh trưởng và phát triển tốt

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn này, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đã phối hợp với các huyện hướng dẫn các xã lựa chọn triển khai các mô hình sản xuất phù hợp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo hướng tập trung, không dàn trải….

Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các xã biên giới nhanh chóng bắt tay vào việc lựa chọn, xây dựng các mô hình. Xã Đội Cấn, huyện Tràng Định là một ví dụ.

Bà Lư Thị Biền, Phó Chủ tịch UBND xã Đội Cấn cho biết: Sau khi rà soát các điều kiện đất đai, khí hậu, thị trường tiêu thụ, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thực hiện Đề án 1385, UBND xã đã họp các thôn và thống nhất lựa chọn xây dựng mô hình trồng nghệ đen với diện tích hơn 10 ha và mô hình nuôi dê thương phẩm gồm 68 con (Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng, Nhân dân đối ứng 410 triệu đồng). Nếu như việc phát triển đàn dê đã được triển khai trên địa bàn xã từ lâu, hiệu quả kinh tế ổn định thì việc triển khai trồng cây nghệ đen còn khá mới. Tuy nhiên, cây nghệ đen hợp đất, hợp khí hậu ở xã nên sinh trưởng và phát triển rất tốt. Dự kiến đến tháng 9/2022 sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Để chủ động thị trường tiêu thụ, UBND xã đã kết nối với doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên và đang xúc tiến để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Đề án 1385, năm 2020, xã biên giới Tân Mỹ, huyện Văn Lãng được hỗ trợ 900 triệu đồng, Nhân dân đối ứng thêm hơn 1 tỷ đồng để triển khai 2 mô hình gồm: mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm (diện tích 11,73 ha) và mô hình nuôi bò giống lai (37 con). Nếu như mô hình nuôi bò cần thời gian dài để đánh giá hiệu quả thì mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm đã đem lại hiệu quả rõ nét.

Ông Lăng Văn Vảng, thôn Pò Cại, xã Tân Mỹ cho biết: Mấy năm gần đây, vụ đông gia đình thường không sản xuất mà để đất trống. Tuy nhiên, vụ đông năm 2020, từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quan trọng nhất là được cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ đó, gia đình yên tâm tập trung vào trồng, chăm sóc cây khoai tây. Với 5 sào khoai tây trồng được đã đem lại cho gia đình thu nhập khoảng 21 triệu đồng trong vụ đông 2020.

Bên cạnh các mô hình sản xuất ở 2 xã kể trên, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 91 thôn tại 18 xã biên giới đặc biệt khó khăn triển khai xây dựng được 33 mô hình. Trong đó có 8 mô hình trồng cây dược liệu; 2 mô hình trồng cây ăn quả; 16 mô hình chăn nuôi; 7 mô hình trồng cây củ, quả với 723 hộ dân và 2 tổ hợp tác tham gia. Đến nay, các mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, đổi mới tư duy sản xuất và tạo động lực giúp người dân các xã biên giới tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu. Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để giúp các xã biên giới có thêm nguồn lực, động lực để xây dựng, nhân rộng thêm các mô hình sản xuất hiệu quả.

Nguồn: baolangson.vn