Thứ năm, 04 Tháng 11 2021 10:56

Tập trung nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả

Thay vì phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo kiểu “cào bằng” cho các xã, những năm gần đây, các huyện, thành phố đã lựa chọn, hỗ trợ để nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, từ đó từng bước xây dựng mô hình kiểu mẫu về PTSX.

Việc triển khai các dự án nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả là 1 trong 6 nội dung thực hiện hỗ trợ PTSX thuộc chương trình xây dựng NTM năm 2020. Khác với một số nội dung hỗ trợ sản xuất, đối với các dự án nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, việc hỗ trợ được triển khai ở các mô hình đã có và đang phát huy hiệu quả nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị, từng bước xây dựng thành mô hình điểm, mô hình kiểu mẫu để nhân rộng.

mo hinh

Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi tại HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng, thành phố Lạng Sơn

Năm 2020, tổng nguồn vốn hỗ trợ nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả gần 63 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 34,7 tỷ đồng; Nhân dân đối ứng 17,8 tỷ đồng, còn lại là vốn của các hợp tác xã (HTX). Qua đó, toàn tỉnh đã hỗ trợ nhân rộng 33 mô hình PTSX.

Bà Lưu Thu Hiền, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Thành lập từ năm 2019, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn. Mới đi vào hoạt động, HTX gặp những khó khăn nhất định, trong đó có khó khăn về vốn. Năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình xây dựng NTM, HTX đã được Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, HTX đối ứng hơn 1,3 tỷ đồng để đầu tư thêm 500 con lợn giống và thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Hiện nay, HTX duy trì 200 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt. Hiệu quả hoạt động không ngừng tăng, năm 2020, HTX nộp ngân sách được hơn 120 triệu đồng và là một trong số HTX nông nghiệp nộp ngân sách cao trên địa bàn tỉnh.

Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình xây dựng NTM đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Bắc Sơn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả. Cụ thể năm 2020, người dân trên địa bàn 7 xã của huyện Bắc Sơn gồm: Chiến Thắng, Vũ Sơn, Đồng Ý, Bắc Quỳnh, Tân Hương, Nhất Hoà, Nhất Tiến đã được hỗ trợ trên 850 triệu đồng, người dân đối ứng 600 triệu đồng để xây dựng mô hình tưới tiết kiệm cho 30 ha cây ăn quả có múi. Không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu nước tưới, việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm còn góp phần vào việc nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả, giá trị nông sản tăng từ 10 đến 15%.

Cùng với 2 mô hình kể trên, phần lớn các dự án nhân rộng mô hình PTSX có hiệu quả khác đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Điển hình như mô hình sản xuất hồng vành khuyên theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 52,1 ha ở các xã Tân Mỹ, Hồng Thái, huyện Văn Lãng; mô hình mở rộng diện tích na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hỗ trợ tem nhãn, bao bì sản phẩm trên địa bàn 9 xã của huyện Chi Lăng với diện tích 100 ha, góp phần tăng giá trị thu nhập từ quả na 20 đến 25%; nhân rộng mô hình trồng và chăm sóc cây sở tại huyện Cao Lộc với diện tích mở rộng, chăm sóc được 100 ha…

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: Việc triển khai hỗ trợ nhân rộng các mô hình PTSX có hiệu quả là nội dung hỗ trợ sản xuất đem lại hiệu quả cụ thể, thiết thực nhất. Các dự án, mô hình được triển khai một cách bài bản, trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa bàn, cơ sở.

Năm 2021, mặc dù nguồn vốn phân bổ chương trình xây dựng NTM chưa có nhưng các huyện, thành phố đã chủ động rà soát, lựa chọn các mô hình sản xuất cụ thể, có khả năng nhân rộng để khi có nguồn vốn phân bổ sẽ nhanh chóng thực hiện.

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chủ động của người dân, doanh nghiệp, HTX, hy vọng thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhân rộng được nhiều mô hình PTSX có hiệu quả. Qua đó, góp phần vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Nguồn: baolangson.vn