Thứ hai, 01 Tháng 11 2021 08:35

Xóa cầu tạm, cầu yếu: Hiệu quả từ cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm

          Với phương thức Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm; Nhà nước đầu tư, Nhân dân chung sức, phong trào cứng hóa cầu dân sinh, xóa cầu tạm, cầu yếu trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần củng cố kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu khu vực nông thôn.

          Lạng Sơn là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, đồi núi dốc, sông ngòi khá dày. Điều này khiến nhu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, cầu cống của tỉnh còn rất lớn. Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đầu năm 2015, toàn tỉnh có 668 vị trí cầu dân sinh, trong đó có tới 346 cầu tạm, 56 cầu yếu cần được xây dựng mới.

          Để thực hiện xóa các cầu tạm, cầu yếu, trong giai đoạn 2016 – 2021, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp huy động tối đa các nguồn lực để xóa cầu tạm, cầu yếu  phục vụ việc đi lại của người dân được an toàn. Cụ thể như cơ chế Nhà nước hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, Nhân dân tự làm; Nhà nước đầu tư, Nhân dân chung sức… được người dân đồng tình, ủng hộ và lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

 2 1

Công trình cầu dân sinh tại xóm Tát Lùng, thôn Lũng Phúc, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan được xây dựng thay thế cho ngầm tạm

          Bình Gia là huyện có số lượng cầu dân sinh cần cứng hóa lớn nhất tỉnh với 154 vị trí cầu tạm và 2 vị trí cầu yếu tại 18 xã trên địa bàn. Theo thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, từ năm 2016 đến tháng 6/2021, toàn huyện đã cứng hóa được 125/156 vị trí cầu tạm, cầu yếu tại 18 xã với tổng trị giá 2,5 tỷ đồng (bình quân khoảng 20 triệu đồng/cầu). Trong đó, người dân đối ứng 50% giá trị xây dựng công trình.

          Ông Mỗ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Từ năm 2016 trở lại đây, khi có chủ trương Nhà nước hỗ trợ vật tư xi măng, sắt thép, Nhân dân đối ứng vật liệu ngày công tự làm, phong trào cứng hóa cầu tạm của xã đã lan tỏa nhanh chóng. Sau hơn 5 năm thực hiện, toàn bộ 11 cầu tạm của xã đã được cứng hóa bằng cầu bê tông xi măng cốt thép, mặt cầu rộng từ 2,5 m đến 3 m. Để làm cầu, người dân đã đối ứng bằng tiền mặt 80 triệu đồng, góp 3.000 ngày công và hiến 150 m2 đất để làm đường dẫn.

          Ngoài Bình Gia, Văn Quan cũng là huyện có phong trào cứng hóa cầu dân sinh phát triển mạnh. Theo thống kê, Văn Quan có 92 vị trí cầu dân sinh, trong đó có 39 vị trí cầu tạm cần được cứng hóa tại 17 xã. Từ năm 2016 đến tháng 6/2021, toàn huyện cứng hóa được 21/39 vị trí cầu tạm tại 11 xã với giá trị thực hiện 794 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ vật tư trị giá 366 triệu đồng, Nhân dân góp tiền mặt 428 triệu đồng.

          Ông Phùng Văn Hoàng, thôn Lũng Phúc, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan cho biết: Xóm Tát Lùng, thôn Lũng Phúc có 17 hộ dân nhưng điều kiện đi lại bị chia cắt bởi dòng suối Tát Lùng. Trước đây, bà con trong xóm làm ngầm tạm để đi lại, nhưng vào mùa mưa vẫn bị chia cắt do nước dâng cao. Năm 2020, các hộ dân trong xóm đã đóng góp 30 triệu đồng để mua cát sỏi, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, sắt thép, xóm Tát Lùng đã cứng hóa được công trình cầu qua suối dài 10 m bằng bê tông cốt thép.

          Theo thống kê, với phương thức Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2021, 8 huyện gồm: Cao Lộc; Bình Gia, Văn Lãng, Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình, Đình Lập và Chi Lăng đã cứng hóa được 262 cầu dân sinh, trị giá xây dựng khoảng 8 tỷ đồng.

          Ông Trần Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Trong 5 năm qua, sở đã tập trung tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn lực cho các huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ vật tư như: xi măng, sắt thép cứng hóa các vị trí cầu tạm theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm. Ngoài ra, sở tập trung vận động nguồn vốn ODA triển khai có hiệu quả dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (dự án Lramp) để xóa cầu tạm, cầu yếu. Nhờ đó, toàn tỉnh đã xóa được 325 vị trí cầu tạm, cầu yếu, trị giá trên 200 tỷ đồng.

          Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu cứng hóa các vị trí cầu tạm, thay thế cầu yếu trên địa bàn tỉnh còn lớn. Hiện Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp với các ngành liên quan và các huyện, thành phố rà soát, đánh giá hiện trạng các cầu tạm, cầu yếu còn tồn tại. Qua đó tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ đầu tư cũng như xây dựng dự toán để duy tu, bảo dưỡng các cầu dân sinh đã được đầu tư để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.

----------------------------------------------------------------------------------------

Nhân rộng cách làm hay ở cơ sở

          Trong quá trình thực hiện xóa các cầu tạm, cầu yếu không bảo đảm an toàn, đã xuất hiện nhiều cách làm hay tại các huyện. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn lãnh đạo một số huyện làm tốt công tác này.

1 4

Bà Hứa Phong Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan: “Phát động phong trào làm cầu ngay trong dịp ra quân đầu xuân”.

Hằng năm, huyện bố trí nguồn kinh phí khoảng 500 triệu đồng từ ngân sách huyện để mua xi măng và sắt thép hỗ trợ các xã có nhu cầu làm cầu dân sinh. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ khảo sát và thiết kế xây dựng cho các xã làm cầu dân sinh. Để tạo phong trào rộng khắp, khí thế và tập trung, UBND huyện yêu cầu các xã có công trình thực hiện khởi công đồng loạt xây dựng vào dịp đầu năm gắn với thực hiện phong trào ra quân đầu xuân, mang lại hiệu quả thiết thực.

 2 2

Ông Bùi Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia: “Phát huy mô hình 70-30 trong đóng góp nguồn lực từ Nhân dân”.

         Hầu hết các vị trí cầu dân sinh cần được cứng hóa trên địa bàn huyện đều có quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại của một nhóm  khoảng trên dưới 10 hộ. Vì vậy, các xã có cầu dân sinh cần cứng hóa đã áp dụng phương thức đóng góp theo mô hình 70-30. Trong đó, các hộ trực tiếp thụ hưởng đóng góp 70% kinh phí đối ứng xây cầu và các hộ khác trong thôn đóng 30% kinh phí đối ứng và ngày công. Trong những năm qua, bằng phương thức này, huyện đã cứng hóa được hơn 100 cầu dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

 3

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng: “Xây dựng đề án để thống nhất huy động nguồn lực làm cầu bảo đảm minh bạch”.

         Trong giai đoạn 2017 – 2020, toàn huyện Chi Lăng đã hỗ trợ các xã, thôn cứng hóa được 18 vị trí cầu dân sinh nhưng số cầu cần cứng hóa vẫn còn 24 vị trí và đều ở những vị trí khó khăn. Do vậy, bước sang giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện đã xây dựng đề án để tiếp tục huy động, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ cơ sở xây dựng cầu dân sinh. Mục tiêu của huyện là trong giai đoạn 2021 – 2025 xóa toàn bộ cầu tạm, cầu yếu trên địa bàn.

Nguồn: baolangson.vn