Thứ ba, 27 Tháng 6 2017 16:40

Tràng Định: Xây dựng nông thôn mới gắn phát triển sản xuất nông nghiệp

         Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tràng Định xác định: phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản để tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là yếu tố cốt lõi, tạo động lực cho việc đạt chuẩn của từng xã trên địa bàn.

Trang Dinh Xay dung NTM gan phat trien san xuat NN

Chăm sóc bò sinh sản tại xã Trung Thành (Tràng Định)

         Thực hiện chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từ khi thực hiện xây dựng NTM đến nay, Tràng Định đã triển khai gần 20 mô hình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả như: mô hình trang trại; hợp tác xã và tổ hợp tác; liên minh sản xuất nông nghiệp cạnh tranh. Để phát huy hiệu quả các mô hình, huyện ưu tiên lựa chọn những cây, con đã quen thuộc với người nông dân, đồng thời liên kết hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để đảm bảo cây, con giống phát triển tốt.

         Điển hình năm 2016, huyện triển khai mô hình trồng cây ăn quả tại xã Tri Phương. Huyện đã tạo điều kiện để nhà đầu tư đến từ tỉnh Bắc Giang phối hợp với nhân dân trồng 1,3 ha cây bưởi và 0,7 ha cây ổi. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 350 triệu đồng, nhà đầu tư hỗ trợ kỹ thuật, cây giống. Đến nay, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và hiệu quả trong khâu liên kết nên cây giống phát triển tốt, ổi đã cho quả vụ đầu, cây bưởi dự kiến sẽ cho thu hoạch vụ sau.

         Ông Lê Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Việc liên kết sản xuất đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Do vậy, các hộ tham gia mô hình đều chủ động học hỏi, chăm sóc cây trồng đúng khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, vườn cây dự án phát triển tốt, cho triển vọng kinh tế cao. Mặc dù mới triển khai nhưng đã có một số xã và người dân trên địa bàn huyện đến thăm quan, học hỏi.

         Năm 2017, căn cứ điều kiện thực tế của từng xã, huyện đã lựa chọn xây dựng 5 mô hình. Trong đó, các cây, con giống lựa chọn đều là thế mạnh của từng vùng như: mô hình trồng quế tại xã Cao Minh với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, quy mô 56,38 ha, có 97 hộ tham gia; mô hình nuôi trâu nhốt chuồng tại xã Đại Đồng với kinh phí 876 triệu đồng, hỗ trợ 42 con trâu cho 6 hộ gia đình… Hiện các mô hình đều đang được huyện tập trung triển khai, hướng đến mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, nâng cao giá trị sản phẩm.

         Bên cạnh xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác tại chỗ, Tràng Định cũng tạo điều kiện về cơ chế, đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, đã có một số mô hình nông nghiệp với quy mô lớn thực hiện thành công, mang lại hiệu ứng tích cực như: mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Trung Thành; trồng chanh leo tại xã Chi Lăng…

         Bà Nông Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Huyện luôn quan tâm và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, huyện đang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào một số sản phẩm nông sản mũi nhọn như: cây thạch đen, quýt Kim Đồng và cây quế theo hướng liên kết với nhà nông thực hiện chuỗi sản xuất sạch và bao tiêu sản phẩm.

         Với những giải pháp phù hợp với thực tế, Tràng Định đang từng bước tái cơ cấu sản xuất gắn với xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết thúc năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 23,3 triệu đồng/người/năm, huyện phấn đấu năm 2017 đạt 26 triệu đồng/người/năm.

Nguồn: baolangson.vn