Thứ hai, 10 Tháng 4 2017 15:26

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông thôn mới: Còn nhiều bất hợp lý

LSO- Trong năm 2015 và 2016, tỉnh Lạng Sơn đã ưu tiên nguồn lực, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, sức lan tỏa, khả năng nhân rộng của các mô hình còn khiêm tốn.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2015 và năm 2016, toàn tỉnh triển khai 64 mô hình sản xuất thực hiện tại 29 xã (trong đó 24 xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2015, 2016 và 5 xã đặc biệt khó khăn) với tổng vốn hỗ trợ 14,1 tỷ đồng. Có 3 loại mô hình được thực hiện trong 2 năm qua gồm: 24 mô hình chăn nuôi; 39 mô hình trồng, chăm sóc cây trồng và 1 mô hình sản xuất cao khô. Tổng kinh phí các hộ dân đối ứng tham gia xây dựng mô hình là hơn 15 tỷ đồng. Cơ bản các mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả góp phần nâng cao đời sống nhân dân tại các địa bàn thực hiện mô hình.

2 2017.01.09.08.55.33

Mô hình nuôi ong tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn đang phát huy hiệu quả

Tuy nhiên, số mô hình được nhân rộng là rất khiêm tốn. Tính đến hết năm 2016 có 7 mô hình được nhân rộng gồm: trồng cây dẻ, nuôi lợn nái (xã Quảng Lạc và Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn); trồng dong riềng (xã Xuân Mai, huyện Văn Quan); nuôi lợn nái (xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng); nuôi bò sinh sản (xã Cường Lợi, huyện Đình Lập); trồng cây ăn quả (các xã Tân Thành, Minh Sơn, Đồng Tân, huyện Hữu Lũng) và mô hình sản xuất cao khô (xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng).

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính là do sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt; việc lựa chọn đối tượng tham gia dàn trải và lựa chọn cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Cụ thể như xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, năm 2016 xã thực hiện hỗ trợ phân bón cho 89 hộ để chăm sóc 40 ha quýt đã cho thu hoạch, trong khi nhu cầu cần hỗ trợ là xây dựng hệ thống tưới tiêu. Tại xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn thực hiện hỗ trợ phân bón cho 272 hộ để chăm sóc 40 ha mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng, trong khi nhu cầu là lựa chọn đưa loại giống lúa nếp cái hoa vàng có năng suất chất lượng vào sản xuất…

Có 4 xã lựa chọn mô hình hỗ trợ con giống chăn nuôi chỉ thực hiện duy nhất một vụ, kiểu cho không rồi kết thúc mô hình. Cụ thể như: xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng) hỗ trợ 500 con vịt giống thương phẩm cho 85 hộ; xã Đại Đồng (Tràng Định) hỗ trợ 1.500 con gà giống thương phẩm cho 15 hộ; xã Vạn Linh (Chi Lăng) hỗ trợ 6.400 con gà ri thương phẩm cho 9 hộ; xã Xuân Mãn (Lộc Bình) hỗ trợ giống khoai tây thương phẩm cho 160 hộ.

Ông Chu Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Thực hiện các mô hình sản xuất chương trình nông thôn mới, từ năm 2012 đến 2016, xã triển khai tổng cộng 9 mô hình nhưng do việc lựa chọn mô hình chưa phù hợp, sức lan tỏa hạn chế. Đến nay, xã mới chỉ có hai mô hình được nhân rộng là mô hình trồng cây dẻ và mô hình nuôi ong lấy mật.

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Qua thực tế kiểm tra các mô hình, các đoàn kiểm tra đã nhìn thấy những bất hợp lý trọng việc xây dựng mô hình sản xuất. Để khắc phục những hạn chế này, năm 2017 chủ trương của tỉnh là không hỗ trợ phát triển sản xuất cào bằng cho các xã như những năm trước mà tập trung hỗ trợ cho các mô hình sẵn có cho những sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã phát huy hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: TRANG NINH