Thứ sáu, 12 Tháng 11 2021 11:16

Đi trên đường lớn

“Đường lớn, đã mở đi tới tương lai…”

                                                 HOÀNG VÂN

Một ngày đầu thu nắng vàng như rót mật, tôi về thăm xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, được nghe người dân kể chuyện làm kinh tế với những hướng đi đột phá, đầy tự tin và vững chắc…

Tân Thành cách trung tâm huyện khoảng 15 km về phía Tây, với tổng diện tích 4.322,4 ha, trong đó đất rừng là 2.253,7 ha. Xã có 1.311 hộ với 6.675 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em cùng chung sống.

Tân Thành được coi là mảnh đất thánh, đất Phật bởi xã có Công đồng Bắc Lệ linh từ – nơi thờ Bà Chúa Thượng nổi tiếng linh thiêng, quanh năm khách thập phương về thắp hương cầu phúc, cầu tài, cầu cho quốc thái, dân an. Đền tọa lạc trên một quả đồi cao, có nhiều cây cổ thụ quanh năm toả bóng mát. Được biết, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đền là nơi cán bộ đi, về chỉ đạo phong trào kháng chiến ở địa phương, nơi tổ chức tiếp nhận và điều trị thương binh từ các mặt trận gửi về. Một thời gian, đền là nơi đóng quân của Đội tự vệ Hoàng Hoa Thám trong chiến dịch Thu Đông 1947 và chiến dịch Biên giới 1950. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều năm, đền là nơi làm việc của UBND xã Tân Thành, nơi tổ chức tiễn đưa lớp lớp thanh niên trong xã lên đường đánh Mỹ. Năm 2005, xã Tân Thành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ. Năm 1993, Đền Công đồng Bắc Lệ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhà đền đã đóng góp cho xã nhiều tỷ đồng.

 duong lon

Người dân xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng thu hoạch cam.  Ảnh: HỒ DUNG

Đứng trên đất của “Mẫu chúa Thượng Ngàn”, nhìn về phía xa xa, nơi có những công trình mới vừa hoàn thiện, đối diện là những ruộng lúa đang kỳ vào hạt hứa hẹn một vụ mùa bội thu; những cánh rừng cao thấp nhấp nhô bạt ngàn cây xanh, khoe sắc dưới ánh nắng vàng… Cả một miền quê rộng lớn như đang thức dậy với một sức vóc mới. Bất giác tôi nhớ đến những con số ghi dấu ấn về bước phát triển vượt bậc của xã Tân Thành sau khi về đích nông thôn mới do lãnh đạo xã cung cấp: nào là sản lượng giống lúa mới thích hợp với đồng đất, năng suất đạt gần 60 tạ/ha; nào là giống cây trồng mới có múi, đến các mô hình chăn nuôi theo phương thức khoa học hiện đại, được vận dụng linh hoạt và nhân rộng khắp các xóm thôn. Cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể; hộ khá, hộ giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,5% và không có hộ tái nghèo. Sợ tôi hiểu chữ “nghèo” theo nghĩa thông thường, anh Phùng Văn Quang – Chủ tịch UBND xã giải thích: Nghèo là so với người giàu ở địa phương, chứ không phải nghèo “rớt mồng tơi” như trước đâu, nghèo ở chúng tôi vẫn có xe máy, ti vi,… Nào là hệ thống đường giao thông nông thôn, với 11 kilômét được chỉnh trang cứng hóa bê tông rộng rãi. Trong đó, nhiều tuyến đường huyết mạch được mở rộng từ 7 mét đến 9 mét, hai bên đường là những thảm hoa rực rỡ sắc màu; nào là cửa hàng, cửa hiệu, nhà dân đua nhau xây cất hiện đại ở khắp các thôn… Chỉ nhẩm qua những con số thống kê ấy cũng đủ thấy sức bật của con người và vùng đất nơi đây thật đáng trân trọng.

Nhắc đến thành quả trong công cuộc xây dựng quê hương, đồng chí Nông Thị Nga – Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ trong niềm tự hào: “Cho đến thời điểm này, Tân Thành đã đạt được những thắng lợi, nhưng đấy chỉ là kết quả bước đầu. Sắp tới, còn phải đi tiếp những chặng đường mới còn dài và khó khăn hơn. Ở chặng đường đó, Tân Thành còn phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Những thành công hôm nay sẽ mở ra hướng đi đúng đắn cho ngày mai”.

Tôi cùng anh Nhữ Hồ Mi – Chủ tịch Hội Nông dân xã đi một vòng quanh xã. Trên đường đi, anh Mi đưa tôi đến “đoạn đường tự quản” của Hội Cựu chiến binh đang san lấp mặt bằng, chỉnh trang để đổ bê tông. Tôi dừng chân hỏi chuyện các bác bên ven đường. Khuôn mặt sạm nắng lấm tấm mồ hôi vẫn luôn nở nụ cười thân thiện, các bác chia sẻ với tôi đủ thứ chuyện: Nào là hộ bác Lý Văn Thân làm kinh tế giỏi với vài ngàn con gà, hàng trăm con lợn; hộ các bác Phùng Văn Su, Vi Văn Rán, Chu Sỹ Tiên hiến hàng ngàn mét vuông đất trị giá hàng trăm triệu đồng cho xã làm đường giao thông mà không lấy một đồng bồi thường. Ai cũng có công, mỗi người một chút “góp gió thành bão”. Tôi hướng mắt về phía “đoạn đường tự quản” phía trước. Đẹp quá! Đường bê tông phẳng lì, bên đường còn trồng hoa, cây cảnh. Thì ra dưới bàn tay của những người lính năm xưa chỉ quen trận mạc nay trở về lại làm cho quê hương thêm đẹp, thêm giàu.

Ông Chu Văn Thẳng – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho tôi biết những hội viên làm kinh tế giỏi như: ông Vi Văn Ba trồng trên 3 ha rừng, các ông Trần Văn Pảo, Phương Văn Bắt, Đặng Văn Yên, gia đình mỗi ông đều có 5 ha rừng bạch đàn, mỗi chu kỳ thu hoạch đều cho các ông hàng tỷ đồng. Ông Lý Văn Ngọc giàu lên từ chăn nuôi lợn, gà, mỗi năm thu về từ 150 đến 200 triệu đồng, … 100% hội viên cựu chiến binh của xã ông không còn hộ nghèo, hộ đói.

Khép lại câu chuyện với các bác cựu chiến binh, chúng tôi vòng qua con đường vào thôn Ao Vẩy – Gốc Đào, đơn vị dẫn đầu nhiều phong trào của xã, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Thôn Ao Vẩy – Gốc Đào vừa được UBND huyện Hữu Lũng khen thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000 – 2020”. Tôi đã được nghe các đồng chí lãnh đạo xã Tân Thành nói: Trưởng thôn Nông Văn Đeng là một người năng động, có tài, rất được lòng dân, một trong những cán bộ có tiếng về dân vận khéo của xã. Chúng tôi đến thôn Ao Vẩy – Gốc Đào lúc anh đang chỉ huy dân làng làm đoạn đường trong xóm dài gần 200 mét để đổ bê tông. Tiếp tôi tại nhà văn hóa thôn, anh Đeng kể một cách tự nhiên, tự hào về người dân thôn anh: Từ thuận lợi đến khó khăn, từ việc nhỏ đến việc lớn của làng, khi đã được quán triệt rồi thì chỉ cần “hô lên một tiếng” là mọi người hưởng ứng ngay, rồi việc nào cũng xong. Anh kể những hộ làm kinh tế giỏi: chị Mã Thị Tuyết chăn nuôi lợn, trồng rừng, trồng cây ăn quả thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng. Ông Phạm Hồng Hải cấy 1 mẫu lúa, mỗi năm 2 vụ, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất đạt 2,5 – 2,8 tạ/sào, thu nhập mỗi năm được trên 2 tấn thóc, kết hợp với các nghề khác, hàng năm thu được trên 300 triệu đồng. Thôn không còn hộ nghèo, hộ khá và hộ giàu cứ nhiều thêm lên.

Đôi mắt của người trưởng thôn ánh lên niềm tự hào khi nói đến việc vận động bà con làm nông thôn mới. Một niềm tự hào bắt nguồn từ đời sống thực tế với những thành tích vượt trội. Mà những thành tích ấy như anh nói đều bắt nguồn từ dân. Nông thôn mới là một cuộc cách mạng thực sự cần phải xây dựng được những con người gương mẫu dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì lợi ích của xã hội, của cộng đồng. Bằng cách phát huy vai trò tiên phong của người đảng viên và chọn điển hình làm nòng cốt “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau” thì mọi việc đều thắng lợi.

Rời Ao Vẩy – Gốc Đào, đến thôn Bắc Lệ – trung tâm của xã, ngay đầu làng đã hiện lên trước mắt tôi một con đường bê tông phẳng lì kéo dài mãi đến cuối làng. Hai bên đường là những ngôi nhà mái ngói, mái bằng, có nhiều cửa hàng, cửa hiệu, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Đến trung tâm thôn, nhìn các công trình phúc lợi công cộng thật ngoạn mục: nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ… tất cả đều khang trang, bề thế và đạt chuẩn nông thôn mới… Nhà văn hóa thôn có diện tích sử dụng 170 mét vuông trên khuôn viên 210 mét vuông. Đây là nhà văn hóa cấp thôn đẹp nhất huyện Hữu Lũng hiện nay. Thôn Bắc Lệ có 326 hộ với 918 nhân khẩu, trong đó, 70% làm nghề buôn bán dịch vụ. Số hộ khá và giàu khoảng 75%, số gia đình có thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm trở lên khoảng 30%. Bình quân thu nhập đầu người của thôn Bắc Lệ năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/năm, 100% số hộ có điện thoại di động, trên 20 hộ có ô tô các loại, 90% hộ có xe máy, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn…

Nếu những ai đã biết mảnh đất Tân Thành trước những năm 2000 thì nay không khỏi bất ngờ. Trước kia, nông nghiệp của xã nhỏ bé, lạc hậu, đồng đất thì manh mún, phương thức canh tác vẫn dùng sức người là chủ yếu, thu nhập đầu người bình quân chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm. Còn nay, người dân đã chủ động cải tạo, nâng cấp hệ thống mương máng, lại thêm 8 trạm biến áp 180 kVA, nâng hệ thống quay vòng sử dụng diện tích canh tác lên trên 2,5 lần, người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống lúa lai có năng suất và chất lượng vào đồng ruộng. Từ đó, tăng năng suất lên trên 2,9 tạ/sào/vụ, đạt bình quân lương thực lên 400 kg/người/năm; hệ thống thủy lợi được cứng hóa trên 2.000 mét. Một nông dân nói với tôi: làm ruộng như chúng em bây giờ nhàn nhã lắm, bởi hầu hết là đã cơ giới hóa, từ khâu làm đất, cày bừa đến tuốt lúa đều bằng máy, đi làm mà cứ như đi thể dục dưỡng sinh. Biết là chị nói cho vui, nhưng thực tế nói lên cuộc cách mạng về nông nghiệp ở đây đang phát triển và có những bước ngoặt lớn.

Cuối năm 2015, xã Tân Thành đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Và cuối năm 2020, xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch UBND xã Phùng Văn Quang so sánh: Bình quân thu nhập của 5 năm trước chỉ đạt 21,5 triệu đồng/người/năm thì năm 2020 đã lên 43,150 triệu đồng/người/năm. Mặc dù xã đã về đích nông thôn mới nâng cao nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức ở phía trước. Bởi lẽ, xây dựng nông thôn mới đã khó, giữ vững và nâng cao hơn nữa những tiêu chí đã đạt được còn khó hơn rất nhiều. Vì thế, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội những năm tiếp theo, Tân Thành không chỉ có định hướng trước mắt và lâu dài mà cần phải phát huy tối đa mọi nguồn lực để hoàn thiện và bền vững.

Thời gian tôi đến Tân Thành không nhiều nhưng tất cả những gì biết được trong chuyến đi này khiến lòng tôi thấy trào dâng một niềm vui khó tả. Ở một vùng quê miền núi mà được như thế này thì chẳng vui sướng lắm sao!

Đời sống kinh tế phát triển, đời sống tinh thần cùng song hành tiến bước. Tôi thầm nghĩ: trong tương lai, Tân Thành sẽ còn những bước phát triển mới, con đường hạnh phúc ấm no, tươi đẹp hơn nữa đang ở phía trước…

Nguồn: baolangson.vn