Thứ sáu, 12 Tháng 7 2019 08:08

Triển vọng mô hình kinh tế trang trại trên núi Khau Hương

         Trang trại nông – lâm nghiệp của Hợp tác xã Phượng Hoàng, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia nằm ở km 26 tỉnh lộ 226, phía Bắc tiếp giáp với xã Bắc Ái, huyện Tràng Định, phía Nam và Đông Nam tiếp giáp với xã Hồng Phong, huyện Bình Gia; độ cao địa hình gần 1.000 m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây trồng nông- lâm nghiệp.

         Năm 2017, với quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương, ông Mỗ Văn Nhuận, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia đã nghiên cứu và hợp tác với 4 hộ gia đình khác thành lập Hợp tác xã Phượng Hoàng, xây dựng trang trại kinh tế nông – lâm nghiệp tổng hợp trên đèo Khau Hương. Hợp tác xã (HTX) huy động, đầu tư hơn 6 tỷ đồng từ các nguồn vốn cá nhân và các tổ chức tín dụng.

Trien vong MH KT TT tren nui Khau Huong

Toàn cảnh khu trồng chanh leo

         Ông Mỗ Văn Nhuận cho biết: Với địa hình đất dốc, đất đai nghèo kiệt, chủ yếu là cây bụi, dây leo và cỏ lau, chúng tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng san ủi tạo thành các bậc thang theo suờn dốc, đầu tư cải tạo đất. Sau gần 1 năm chúng tôi đã san ủi, lắp đặt hệ thống  tưới, cuốc hố trồng cây… với diện tích 40 ha đất dốc trên đỉnh Khau Hương; trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi từ các mô hình trang trại kinh tế trong và ngoài tỉnh, HTX từng bước đầu tư khảo nghiệm trồng các loại cây lấy gỗ và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: gỗ tếch, gáo vàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Phúc Kiến, bơ, chanh leo….

         Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, HTX đã trồng 21 ha cây chanh leo, xen kẽ 5 ha cây bơ, trên 5.000 cây bưởi các loại và hàng nghìn cây gỗ tếch, gáo vàng… Sau 2 năm trồng và chăm sóc, cây chanh leo đã cho thu hoạch. Tính đến thời điểm đầu mùa hiện nay, HTX đã thu hoạch được 7 tấn chanh leo, với giá bán trung bình từ 12 – 15 nghìn đồng/1kg. Ước tính cả vụ sẽ thu hoạch được khoảng 40 tấn chanh leo. Toàn bộ sản phẩm đã được công ty chế biến nước giải khát tại Lạng Sơn bao tiêu.

         Với quy mô, quy trình chăm sóc vườn rừng, HTX thường xuyên có trên 10 lao động, nhờ đó đã tạo thêm việc làm cho bà con nhân dân tại địa phương tranh thủ mùa nông nhàn có thêm thu nhập.

         Ông Lộc Văn Thạo, thôn Khuổi Pàn, xã Hoa Thám vui vẻ cho biết: Mỗi ngày công lao động được HTX trả 200 nghìn đồng, đã giúp cho gia đình tôi cải thiện cuộc sống, nuôi con cái học hành. Trong quá trình lao động cho trang trại, tôi đã học hỏi được rất nhiều biện pháp, kinh nghiệm trồng và chăm sóc vườn cây, thời gian tới tôi sẽ áp dụng và phát triển vườn rừng của gia đình.

         Ông Mỗ Văn Nhuận chia sẻ: Qua bước đầu khảo nghiệm, thí điểm phát triển trồng cây trên địa hình đất dốc, đã cho hiệu quả kinh tế thực sự. Trong năm 2019, HTX tiếp tục mở rộng quy mô, cải tạo thêm 60 ha xung quanh khu vực, để tiếp tục đầu tư trồng cây ăn quả và các loại cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, với nguồn nước mạch, khe suối sẵn có, HTX chuẩn bị đầu tư đắp đập chứa nước, với diện tích 5 ha, tạo thành hồ nuôi cá và cung cấp nước tưới tiêu cho trang trại, đầu tư tiếp hệ thống tưới tiêu tự động hiện đại…

         Trong tương lai không xa, với ý chí, nghị lực và quyết tâm của Ban quản trị HTX Phượng Hoàng, ước vọng xây dựng trang trại nông- lâm nghiệp tổng hợp, gắn với du lịch sinh thái sẽ trở thành một điểm sáng nổi bật ngay trên chính mảnh đất quê hương Hoa Thám anh hùng.

         Ông Nông Ngọc Nghinh, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám đánh giá: Với lợi thế sẵn có của địa phương từ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ thích hợp cho việc trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả; cùng với việc được đầu tư bài bản, có sự hỗ trợ về kỹ thuật từ Sở Khoa học – Công nghệ Lạng Sơn và các chính sách hỗ trợ sản xuất  bước đầu đã tạo điều kiện cho HTX Phượng Hoàng nói riêng, bà con nhân dân trên địa bàn xã Hoa Thám nói chung mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế từ đồi rừng, từng bước xóa đói giảm nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Nguồn: baolangson.vn