Thứ bảy, 15 Tháng 6 2019 08:02

Phát triển cây ăn quả ở Hữu Lũng: Tập trung theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch

          Những năm qua, huyện Hữu Lũng không chỉ mở rộng diện tích mà còn xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, tập trung phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch (tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn – theo Thông tư 51 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Qua đó, vừa nâng cao giá trị, vừa tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.

          Với diện tích khoảng 4 ha trồng na, sau nhiều năm trồng theo hướng truyền thống, đến năm 2018 gia đình ông Nông Văn Lợi, thôn Đồng Ngầu (xã Cai Kinh) bắt đầu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, năm 2018 gia đình ông Lợi trồng 1 ha theo VietGAP, kết thúc vụ thu hoạch, diện tích trồng na VietGAP cho giá trị cao gấp hơn 2 lần so với diện tích trồng bình thường năm trước.

          Ông Lợi cho biết: Việc trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ bán được giá hơn, mà còn không đủ xuất bán ra thị trường. Bởi na VietGap có đầy đủ thông tin bao bì, nhãn mác, nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên được các doanh nghiệp đặt mua hết, chúng tôi không có đủ để cung ứng ra thị trường. Năm 2019, được sự hỗ trợ của huyện, tôi trồng 0,5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, những diện tích na còn lại đều được trồng theo hướng sản xuất na an toàn. Từ trồng na cho gia đình tôi thu nhập ngày càng tăng, như năm 2015 thu trên 400 triệu đồng, đến năm 2018 thu 700 triệu đồng. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng na theo VietGAP.

PT cay an qua o HL - Tap trung theo huong SX NN sach.jpg

Người dân xã Yên Vượng chăm sóc bưởi diễn

          Việc trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã Cai Kinh bắt đầu thực hiện từ 2018. Hiện xã Cai Kinh có khoảng 180 ha trồng na, trong đó có 30 ha trồng theo VietGAP. Năm 2019, xã phát triển trồng 35 ha na theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Không chỉ cây na, cây táo đại được phát triển theo VietGAP, toàn xã có trên 10 ha táo đại, đến nay đã thực hiện trên 5 ha theo VietGAP; hiện đang tiếp tục phát triển thêm 3 ha theo hướng này.

          Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Hiện toàn xã có gần 500 ha cây ăn quả các loại như: na, táo đại, bưởi diễn, bưởi da xanh, cam đường canh. Xác định việc phát triển cây ăn quả không chỉ đơn thuần trồng theo truyền thống, mà phải trồng có kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, xã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đến người dân phát triển theo hướng sản xuất VietGAP, GlobalGAP và sản xuất an toàn theo Thông tư 51 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, xã tập trung phát triển cây na, táo đại theo VietGAP, GlobalGAP, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển thêm cây bưởi.

          Không chỉ xã Cai Kinh, các xã trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện tập trung phát triển theo hướng sản xuất an toàn, VietGAP, GlobalGAP. Hiện toàn huyện Hữu Lũng có khoảng 4.500 ha cây ăn quả các loại, trong đó cây na có diện tích gần 1.500 ha. Để nâng cao giá trị cây ăn quả, huyện tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo vùng; tập trung phát triển cây chủ lực theo tiêu chuẩn VietGAP, GlolbaGAP;… Việc trồng theo VietGAP bắt đầu thực hiện từ 2018. Trong đó, năm 2018, huyện phát triển 25 ha na, 25 ha bưởi diễn, 30 ha dứa theo VietGAP; năm 2019, huyện tiếp tục phát triển trồng thêm 100 ha na theo VietGAP (tại xã Yên Sơn, Hòa Lạc, Yên Thịnh, Yên Vượng) và 35 ha na theo GlobalGAP tại xã Cai Kinh.

          Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian qua, huyện xác định phát triển vùng cây ăn quả theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế và chủ động về thị trường tiêu thụ sản phẩm là quan trọng. Vì vậy, bằng các chương trình, dự án, nguồn vốn khác nhau, Phòng Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình về phát triển cây ăn quả cho người dân. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn. Đến nay, toàn huyện có khoảng 160 ha na sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP; 25 ha bưởi, 30 ha dứa, 100 ha táo đại theo tiêu chuẩn VietGAP. Những diện tích còn lại đều được ký cam kết sản xuất an toàn theo Thông tư 51 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ. Thời gian tới phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo phát triển mở rộng trồng cây ăn quả theo VietGap, GlobalGap.

Nguồn: baolangson.vn