Thứ hai, 13 Tháng 7 2020 03:48

Từ vùng đất nghèo thành miền quê đáng sống

          Cái hầm hập của mùa nóng Xứ Thanh chợt dịu khi chúng tôi đặt chân đến thôn Yên Thịnh, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành. Dịu bởi màu xanh của bạt ngàn những vườn cây ăn quả, bởi hàng hoa dọc đường trục thôn, bởi cả những khu vườn nhỏ trước cửa mỗi ngôi nhà… Gặp khách, người Yên Thịnh tự hào: Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, từ vùng đất nghèo, nơi đây đã trở thành miền quê đáng sống.

          Yên Thịnh tuy chưa đến mức đặc biệt khó khăn như một số thôn khác trên địa bàn xã Thành Tâm, nhưng trước khi xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân nơi đây cũng chỉ ở mức trung bình thấp. Ông Hoàng Công Nam, Chủ tịch UBND xã Thành Tâm cho biết: Trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi xác định yếu tố tiên quyết là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Khi đã làm được việc này, những tiêu chí khác chỉ còn là vấn đề thời gian.

          Nhưng phát triển sản xuất ở Yên Thịnh không đơn giản. Cả thôn có hơn 20 ha đất canh tác nông nghiệp, phần lớn là ruộng một vụ, lại manh mún vì bị xé lẻ thành hàng trăm thửa. Trong khi đó, gần 120 ha đất đồi chỉ toàn cây tạp.

tu vung dat ngheo thanh mien que dang song.jpg

Lãnh đạo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh tham quan mô hình trồng đinh lăng dưới tán mít

tại thôn Yên Thịnh, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa

          Sau quãng thời gian trăn trở, tìm tòi, xin chủ trương của cấp trên, năm 2013, cấp ủy, chính quyền xã Thành Tâm quyết định vận động người dân Yên Thịnh dồn điền. Cách làm không phải là đổi thửa nữa mà là xóa trắng các thửa, khoanh và chia lại. Diện tích ruộng của mỗi gia đình vẫn vậy, nhưng nhập thành một thửa. Đây là tư duy rất đột phá, bởi ở miền núi, cách làm này rất ít nơi thành công.

          Anh Đinh Văn Đạt, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Yên Thịnh cho biết: Cả thôn có 106 hộ gồm người Kinh, người Mường, không phải ai cũng như ai, nhất là vấn đề này lại liên quan đến đất canh tác, nguồn sống của mỗi gia đình. Nhưng tôi cũng như các đảng viên trong chi bộ rất tin tưởng vào sự đúng đắn của chủ trương này và quyết tâm vận động người dân thực hiện.

          Cả xã và thôn cùng vào cuộc, tiên phong là cán bộ, đảng viên. Họ đến từng nhà vận động, trình bày cách làm, nghe dân góp ý để điều chỉnh những điểm chưa phù hợp… Ròng rã hơn nửa năm, đến cuối năm 2013, thôn Yên Thịnh hoàn tất việc dồn điền.

          Tạo được cánh đồng rộng lớn, không còn bị chia cắt bởi bờ thửa, cấp ủy, chính quyền xã, thôn chủ trương vận động người dân thay thế toàn bộ diện tích trồng lúa một vụ bấp bênh sang trồng cây ăn quả như: thanh long, ổi Đài Loan, dứa, mía nguyên liệu… có liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Đất đồi tạp được cải tạo để phủ xanh bằng các loại cây như: mít, cam, bưởi. Một số gia đình liên kết hình thành các trang trại chăn nuôi lớn như trang trại nuôi bồ câu Pháp, trang trại nuôi ong lấy mật…

          Chủ trương đúng, cách làm sáng tạo đã mang lại hiệu quả nhanh chóng. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Yên Thịnh đạt 42,5 triệu đồng/người, gấp hơn 2 lần so với ba năm trước đó. Người Yên Thịnh đã huy động được trên 10 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó, cơ bản các công trình do Nhân dân tự làm, huyện, xã chỉ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. Năm 2016, thôn Yên Thịnh đạt chuẩn thôn nông thôn mới và xã Thành Tâm cũng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm.

          Nông thôn mới đã giải quyết những vấn đề cơ bản nhất ở Yên Thịnh như: thu nhập, hạ tầng, văn hóa, môi trường… Nhưng người Yên Thịnh chưa bằng lòng với cái “cơ bản” ấy, năm 2018 họ bắt tay vào xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu với 14 tiêu chí rất “khắt khe” do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành. Trong 14 tiêu chí này lại có rất nhiều chỉ tiêu thành phần nhưng tựu chung lại nông thôn mới kiểu mẫu sẽ hướng mạnh đến nâng cao chất lượng sống của người dân với môi trường, cảnh quan “Xanh – Sạch – Đẹp”. Ngồn ngộn những việc, nhưng chỉ 2 năm, Yên Thịnh đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của thôn đã đạt 61,2 triệu đồng/người.

          Tham quan một vòng thôn Yên Thịnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng lẫn khâm phục. Trước cửa mỗi gia đình đều gắn biển “Nhà sạch – Vườn mẫu”, mà tìm hiểu ra thì để đạt được tiêu chí ấy chẳng hề đơn giản. Trong khuôn viên mỗi nhà đều treo bảng quy hoạch đất đai, nhà cửa của gia đình được UBND xã phê duyệt. Nhà văn hóa thôn giờ không chỉ còn là nơi để hội họp mà còn có khu vui chơi cho trẻ em, có khu luyện tập thể thao, khu văn nghệ… Và, điều rất lạ là ở Yên Thịnh dường như không có bụi, các tuyến đường từ trục chính đến đường nhánh đều sạch bong và rợp bóng mát.

          Sự năng động, tư duy đột phá của cấp ủy, chính quyền cơ sở, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên đã tạo niềm tin vững chắc trong Nhân dân, khơi dậy sức mạnh nội sinh từ khối đại đoàn kết toàn dân… Đó là điều cốt yếu để Yên Thịnh từ vùng đất nghèo trở thành miền quê đáng sống.

“Những kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở Yên Thịnh nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu, tìm ra những điểm phù hợp, từ đó tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh

Nguồn: baolangson.vn