Thứ tư, 14 Tháng 8 2019 01:50

Hữu Lũng: Làm giàu từ nuôi ong lấy mật

         Những năm qua, người dân huyện Hữu Lũng đã phát triển mạnh nghề nuôi ong lấy mật. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, giúp nhiều hộ làm giàu.

         Gia đình ông Phùng Văn Bắt là một trong những hộ có thâm niên nuôi ong ở thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn. Ông Bắt cho biết: Năm 1990, tôi bắt đầu nuôi khoảng 10 – 15 đàn ong lấy mật. Khi đó, tôi tự tìm hiểu và học cách chăm sóc đàn ong qua sách báo, tivi và những người nuôi trước. Đàn ong của gia đình tôi phát triển theo từng năm. Đến nay, tôi đã có 150 đàn ong, trung bình mỗi năm bán được 500 – 600 lít mật, với giá bình quân 200 nghìn đồng/lít, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài bán mật, gia đình tôi còn nhân đàn để bán từ 40 – 50 đàn/năm (với giá từ 800 nghìn đồng – 1,4 triệu đồng/đàn tùy thời điểm). Nhờ đó, tôi có nguồn thu ổn định, cải thiện cuộc sống.

         Theo thống kê, toàn huyện Hữu Lũng có hơn 7.000 đàn ong (lớn nhất toàn tỉnh), tập trung chủ yếu ở thị trấn Hữu Lũng và một số xã như: Minh Sơn; Minh Tiến; Đồng Tân; Minh Hòa, Cai Kinh, Hòa Lạc… Trong đó, hộ nuôi ít từ 30 – 40 đàn, hộ nuôi nhiều lên đến 200 – 250 đàn.

HL Lam giau tu nuoi ong lay mat

Người dân thôn Bến Lường, xã Minh Sơn quay mật ong

         Tại Hữu Lũng, nghề nuôi ong lấy mật đã có từ cách đây gần 30 năm. Khi đó, các hộ chủ yếu nuôi nhỏ, lẻ một vài đàn để có nguồn thực phẩm cải thiện, còn dư mới bán ra thị trường. Từ năm 2010 đến nay, nhận thấy điều kiện thuận lợi và hiệu quả kinh tế thiết thực từ nghề nuôi ong, rất nhiều gia đình đã đầu tư phát triển nuôi ong theo hướng sản xuất hàng hóa.

         Theo đó, vào mùa xuân (hoa nhãn, hoa vải), người dân thường nuôi tại vườn nhà. Đến mùa thu, nhiều hộ đi gửi ong ở các xã lân cận của huyện để duy trì lấy mật. Năm 2018, sản lượng mật ong của toàn huyện đạt gần 40.000 lít. Đặc biệt, hiện nay; cùng với nuôi ong, nhiều hộ còn kết hợp bán đàn (ong giống) và dụng cụ nuôi ong cho các hộ mới bắt đầu “vào nghề” nuôi ong trên toàn tỉnh. Nhờ đó, rất nhiều hộ có thu nhập cao và ổn định với thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm như: hộ ông Đào Khắc Trường, thị trấn Hữu Lũng; hộ ông Nguyễn Văn Dũng, xã Minh Sơn; hộ ông Trần Văn Sính, xã Minh Sơn; hộ ông Hứa Đức Đô, xã Minh Tiến; hộ ông Nông Văn Thơm, xã Hòa Sơn….

         Ngay từ những ngày đầu mới phát triển nghề nuôi ong lấy mật, các hộ nuôi ong trên địa bàn huyện đã tích cực đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi ong ở các tỉnh lân cận. Cùng với đó, bà con  thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Nhờ đó, nghề nuôi ong ở Hữu Lũng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

         Nếu như trước đây, các hộ nuôi ong huyện Hữu Lũng phải đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác thì đến nay, trước sự phát triển mạnh mẽ nghề nuôi ong lấy mật của huyện Hữu Lũng thì người dân nhiều địa phương khác (trong tỉnh và các tỉnh bạn) lại đến Hữu Lũng để học hỏi kinh nghiệm về nuôi ong lấy mật.

         Ông Đào Khắc Trường, Chi hội trưởng Chi hội nuôi ong thị trấn, người đã có 30 năm kinh nghiệm nuôi ong cho biết: Để đàn ong cho năng suất cao, chất lượng mật tốt thì một năm nên thay ong chúa 2 lần và chú ý phòng chống bệnh cho đàn ong bằng cách thường xuyên vệ sinh, kiểm tra tổ để loại bỏ côn trùng có hại cho ong…

         Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Hữu Lũng cho biết: Nghề nuôi ong trên địa bàn huyện đã có từ cách đây rất lâu. Tuy nhiên, khoảng 5 đến 10 năm trở lại đây, phong trào nuôi ong mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, huyện có một chi hội nuôi ong. Ban đầu chi hội chỉ có 7 hội viên, nay đã phát triển lên gần 40 hội viên, tập hợp đông đảo những người nuôi ong trên toàn huyện để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Để nghề nuôi ong phát triển bền vững, thời gian tới, Hội Làm vườn huyện sẽ đề xuất xây dựng thương hiệu, đặt bao bì cho sản phẩm mật ong; đăng ký tem truy xuất nguồn gốc và địa chỉ liên hệ của từng hộ sản xuất để góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm mật ong của huyện.

Nguồn: baolangson.vn