Thứ sáu, 21 Tháng 6 2019 13:57

Làm giàu từ trồng nấm sò

         Đối với nhiều người, về hưu là để nghỉ ngơi sau thời gian dài cống hiến, nhưng bà Sái Thị Sinh, sinh năm 1962 tại thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đình Lập, huyện Đình Lập đã áp dụng những kiến thức mà bản thân tích lũy được để mở một trang trại trồng nấm, mỗi năm thu lãi trên 300 triệu đồng.

         Bà Sinh chia sẻ: Tôi đến với nghề trồng nấm như một “cái duyên”. Trong quá trình công tác tại xã, tôi thường xuyên vận động bà con tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt (trong đó có trồng nấm sò). Khi ấy, tôi cũng được tham gia rồi trồng thử 4 đến 5 bầu để ăn, sau đó, thấy cây nấm sò phù hợp và dễ trồng nên tôi đã trồng thêm hơn 200 bầu nấm sò để bán. Tuy nhiên, khi đã trồng được nấm, tôi lại lo tìm đầu ra. Những ngày đầu, tôi đem biếu người quen và mang ra chợ chào hàng với các khách buôn, dần dần khách quen và tin tưởng nên nhiều người tìm đến nhà đặt mua.

Lam giau tu trong nam so

Bà Sái Thị Sinh thu hái nấm

         Nhận thấy trồng nấm đem lại giá trị kinh tế, từ tháng 7/2016, sau khi nghỉ hưu, bà đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình là nhân rộng mô hình trồng nấm sò tại gia đình. Bà Sinh đã mạnh dạn phá một phần diện tích đồi vải và thông của gia đình để đầu tư xây trại nấm với diện tích hơn 1.000 m2, số vốn đầu tư ban đầu trên 1 tỷ đồng.

         Để giảm thiểu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, môi trường, bà đã xây dựng trại cố định, đảm bảo cho nấm được trồng trong nhà có tường bao quanh, có mái che chắc chắn, có hệ thống chiếu sáng và độ ẩm phù hợp. Theo bà Sinh, trồng nấm không khó, lại phù hợp với thị hiếu, công chăm sóc chủ yếu là tưới nước sạch để đảm bảo các bầu nấm không bị bệnh. Bên cạnh đó, để có được những cây nấm tươi ngon thì phải hiểu và nắm chắc, thường xuyên theo dõi thời tiết, thời gian sinh trưởng của cây nấm để có biện pháp chăm sóc, thu hái hợp lý.

         Trong quá trình thực hiện, bên cạnh kinh nghiệm đã có, bà còn thường xuyên lên mạng học hỏi thêm. Nhờ đó, đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, bà đã nâng tổng số bầu nấm của gia đình lên 34.000 bầu, một năm xoay vòng 2 lần (mỗi lần 17.000 bầu). Mỗi năm, gia đình bà bán ra thị trường khoảng 7 đến 8 tấn nấm, với giá bán từ 30.000 đồng – 40.000 đồng/kg, gia đình bà thu về trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mô hình trồng nấm sò không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình bà Sinh mà còn giúp tạo việc làm theo mùa vụ cho 7 – 8 lao động tại địa phương.

         Chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm để có sự thành công như ngày hôm nay, bà Sinh bộc bạch: “Đã xác định làm việc gì cũng phải có đam mê, sự tâm huyết và lòng kiên trì. Nghề trồng nấm cũng vậy, không chỉ đòi hỏi giàu kiến thức, kinh nghiệm mà còn phải luôn tìm tòi, lấy uy tín, chất lượng làm đầu, nhờ vậy mà trại nấm của gia đình tôi thu đến đâu đều bán hết đến đó”.

         Thành công từ mô hình trồng nấm của bà Sái Thị Sinh đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân xã Đình Lập. Ông Hoàng Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Đình Lập cho biết: Từng là cán bộ công tác tại xã, sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác, bà Sinh tiếp tục phát huy khả năng, sức khỏe của mình để thực hiện mô hình trồng nấm đem lại giá trị kinh tế cao. Bà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ khác có nhu cầu, muốn phát triển kinh tế từ mô hình này. Năm 2018, từ nguồn vốn phát triển sản xuất của chương trình nông thôn mới, xã hỗ trợ 330 triệu đồng cho gia đình bà Sinh để tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nấm.

Nguồn: baolangson.vn