Thứ năm, 03 Tháng 11 2022 10:00

Triển vọng kinh tế từ mô hình nuôi cá nheo Mỹ

Từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” bước đầu mang lại hiệu quả cao; mở ra triển vọng tạo việc làm và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có gần 1.300 ha diện tích mặt nước, rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi thủy sản. Trong đó, nhiều nơi có điều kiện phù hợp để phát triển các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá nheo Mỹ (cá lăng đen). Để phát triển nuôi loại cá này, ngành chức năng tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất.

 1 2 1

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra mức độ phát triển của cá nheo Mỹ tại xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng

Theo đó, tháng 7/2021, từ nguồn vốn Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Mô hình được thực hiện với quy mô 650 m3 lồng nuôi, mật độ thả nuôi 10 con/m3 với tổng kinh phí trên 648 triệu đồng (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70%, người dân đối ứng 30%). Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 2 hộ dân tại xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng con giống, thức ăn và các loại thuốc phòng, trị bệnh cho cá.

Là 1 trong 2 hộ dân tham gia mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, bà Vy Thị Giang, thôn Hạ, xã Yên Sơn cho biết: Nhận thấy nuôi cá nheo Mỹ  cho hiệu quả kinh tế cao, từ cuối năm 2019, tôi đã mạnh dạn đầu tư làm lồng, nuôi hơn 800 con. Đến tháng 7/2021, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 3.200 con cá giống, hơn 6 tấn thức ăn hỗn hợp và thuốc phòng, trị bệnh. Nhờ môi trường nước phù hợp, chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn cá phát triển tốt. Đến nay, gia đình có 4 lồng nuôi với số lượng 4.000 con. Từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình đã xuất bán chọn lọc trên 5 tạ cá thương phẩm cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện và các huyện trong tỉnh với giá từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg. Dự kiến đến cuối năm, gia đình sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng từ bán cá lăng thương phẩm. Ngoài ra, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 hoặc 3 lồng nuôi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình tại huyện Lộc Bình với sự tham gia của 8 hộ dân. Theo đó, mô hình được triển khai với quy mô 800 m3 lồng nuôi, tổng kinh phí thực hiện trên 780 triệu đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 600 triệu đồng, còn lại là người dân đối ứng. Hiện đàn cá đang phát triển tốt, dự kiến cá thương phẩm sẽ được xuất bán ra thị trường trong thời gian tới.

Ông Hà Văn Thu, thôn Khòn Cháo – Co Cai, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình cho biết: Gia đình tôi bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2017 nhưng chủ yếu nuôi các loại cá như: cá trắm, cá rô nên thị trường tiêu thụ đôi lúc gặp khó. Tháng 4/2022, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1.000 con cá giống, hơn 1 tấn thức ăn và thuốc phòng, điều trị để phát triển nuôi cá lăng thương phẩm. Nhờ được chăm sóc tốt, đến nay, đàn cá lăng đã đạt trọng lượng trung bình 1 kg/con. Dự kiến đến tết âm lịch, gia đình có thể chọn lọc xuất bán cá lăng thương phẩm ra thị trường.

Được biết, cá lăng là loại cá da trơn, có giá trị kinh tế cao. Qua triển khai thực hiện mô hình, bước đầu đánh giá giống cá lăng đen phù hợp với môi trường nước tại nhiều khu vực các sông và lòng hồ trên địa bàn tỉnh; cá phát triển tốt, ít bệnh, mức tăng trọng lượng đạt 175 g/con/tháng; trung bình sau 18 tháng, cá sẽ đạt trọng lượng từ 2,5 đến 3 kg/con; bán với giá bình quân từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg. Nhờ đó bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Lý Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để triển khai thực hiện mô hình có hiệu quả, việc lựa chọn địa điểm, các hộ dân tham gia mô hình được chúng tôi đặc biệt chú trọng. Địa điểm nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, không bị ảnh hưởng bởi lũ và các phương tiện giao thông đường thủy; mực nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy và không bị ảnh hưởng của nguồn nước gây ô nhiễm. Các hộ tham gia mô hình phải có đủ cơ sở vật chất về lồng bè, có nhu cầu và cam kết thực hiện theo các yêu cầu về kỹ thuật…

Để người dân có kỹ thuật chăm sóc, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc, phòng, trị bệnh cho đàn cá. Cùng đó, định kỳ hằng tháng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tiến hành kiểm tra thực tế, đánh giá mức độ phát triển của cá. Với hiệu quả bước đầu của mô hình, dự kiến năm 2023, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục triển khai thực hiện mô hình tại huyện Văn Quan.

Nguồn: baolangson.vn