Thứ tư, 13 Tháng 12 2017 09:21

Tràng Định: Khá lên từ chăn nuôi gia súc

          Huyện Tràng Định có tiềm năng, lợi thế về đất đai cùng các điều kiện tự nhiên khác thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, vì vậy, những năm qua, huyện đã khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Trang Dinh Kha len tu chan nuoi gia suc

Người dân xã Tri Phương (Tràng Định) chăm sóc trâu nhốt chuồng 

          Trước đây, gia đình ông Bế Văn Quân, thôn Pá Lầu, xã Tri Phương nuôi trâu chủ yếu là thả rông trên đồi rừng, vì vậy, việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh hạn chế, hiệu quả kinh tế thấp. Trong 4 năm trở lại đây, được sự hướng dẫn của phòng chuyên môn huyện và tìm hiểu qua phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy chăn nuôi trâu nhốt chuồng đem lại hiệu quả cao, gia đình ông đầu tư chuồng trại, trồng 9 sào cỏ voi để nuôi trâu nhốt chuồng. Năm 2017, bằng nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Quân mua 8 con trâu giống. Hiện đàn trâu có 11 con, phát triển tốt. Với mô hình nuôi trâu nhốt chuồng, năm 2016, gia đình ông Quân thu nhập hơn 200 triệu đồng. Trong 9 tháng của năm 2017, gia đình bán 4 con trâu với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng, hiện đang chuẩn bị xuất bán thêm 4 con. Ông Quân cho biết: “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng chuồng trại, chăn nuôi khoảng 20 con trâu/lứa”.

          Không chỉ riêng gia đình ông Quân, phong trào nuôi trâu, bò, nhất là trâu, bò theo hướng nhốt chuồng phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao như: hộ ông Hoàng Văn Thoại, thôn Pá Lầu (16 con trâu), ông Nông Văn Ái, thôn Nà Han (nuôi 25 con trâu, bò), ông Hoàng Văn Khì, thôn Kéo Quân (nuôi 26 con trâu, bò),… cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

          Hiện toàn xã Tri Phương có gần 1.000 con gia súc, trong 2 năm trở lại đây, người dân đã dần chuyển sang nuôi theo hình thức bán chăn thả, trồng cỏ làm thức ăn,… Ông Lê Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Để phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, xã phối hợp với phòng chuyên môn huyện xây dựng mô hình nuôi nhốt chuồng. Qua đó cho hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới xã tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng nhốt chuồng.

          Phong trào nuôi trâu nhốt chuồng bắt đầu phát triển mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây. Không chỉ xã Tri Phương, hiện mô hình này được nhân rộng ra nhiều xã của huyện Tràng Định. Trước đây, việc chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện chủ yếu là thả rông trên các bãi chăn thả, bìa rừng nên hiệu quả kinh tế thấp. Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gia súc, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu bò; làm chuồng trại kiên cố, đưa gia súc về nuôi nhốt tại nhà, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi. Đặc biệt, bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2016, huyện hỗ trợ 70 con trâu (mỗi con 5 triệu đồng) cho xã Đại Đồng. Năm 2017, huyện tiếp tục hỗ trợ 350 triệu đồng/xã  (gồm 2 xã: Tri Phương, Đại Đồng) để phát triển nuôi trâu nhốt chuồng. Ngoài hỗ trợ vốn, hằng năm, huyện hỗ trợ kinh phí (khoảng 40 triệu đồng/năm) để tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò; sử dụng kinh phí phát triển nông - lâm nghiệp để tập huấn về phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc;...

          Với sự hỗ trợ nhiều mặt của chính quyền, cộng với nhận thức của bà con nhân dân, đàn gia súc trên địa bàn huyện ngày một tăng về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 9/2017, huyện Tràng Định có gần 12.000 con trâu, bò (tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2016). Ông Triệu Minh Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Phong trào phát triển gia súc (trâu, bò) trên địa bàn huyện ngày càng phát triển; đặc biệt là mô hình nuôi trâu nhốt chuồng. Hiện đã hình thành vùng chăn nuôi gia súc tại các xã như: Đại Đồng, Tri Phương, Cao Minh, Đoàn Kết, Đội Cấn, Quốc Khánh… Trung bình mỗi hộ nuôi trâu, bò từ 6 con trở lên, sau một năm bán thu lãi từ 5 đến 7 triệu đồng/con. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng chăn nuôi hàng hóa. Đồng thời làm tốt dự báo về thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi.

Nguồn: baolangson.vn