Thứ tư, 02 Tháng 8 2023 15:13

Xây dựng nông thôn mới: Khát vọng của huyện nghèo Đình Lập

Triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm là một huyện nghèo, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Đình Lập đã nỗ lực vượt qua khó khăn với khát vọng trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2025.

z4565717256615 928312b5ec006b20b399d1f3ae6fa945

Người dân xã Lâm Ca, huyện Đình Lập tham gia trò chơi đẩy gậy tại ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023

Kỳ I: Từ vùng đất nghèo thành miền quê đáng sống

Xuất phát điểm từ một huyện nghèo, vùng cao, biên giới với 100% xã đặc biệt khó khăn và gần một nửa dân số thuộc hộ nghèo, thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đình Lập đã từng bước tạo nên sự chuyển biến rõ nét. Những xã vùng ba, những vùng đất khó dần biến thành những miền quê đáng sống.

Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020. Khi đó, xuất phát điểm của huyện Đình Lập rất thấp, theo kết quả rà soát năm 2012, toàn huyện chỉ có 1 xã đạt 6 tiêu chí; các xã còn lại đạt dưới 5 tiêu chí, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện mới chỉ đạt 2,7 tiêu chí. Những tiêu chí như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở, môi trường, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo… hầu hết các xã đều chưa đạt.

Nông thôn mới hiện thực ở xã vùng ba

Xã Đình Lập nằm ngay gần thị trấn Đình Lập, năm 2011, xã được huyện lựa chọn chỉ đạo làm xã điểm xây dựng NTM. Bà Sầm Thị Vui, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đình Lập nhớ lại: Qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2012 vẫn còn tới 49%. Nhìn vào con số này, cùng với điều kiện thực tiễn thời điểm bấy giờ và so với những tiêu chí NTM nhiều người thực sự “e ngại”, hồ nghi về tính khả thi. Để đả thông tư tưởng, chúng tôi đã cử cán bộ xuống các thôn tâm sự, trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Qua nắm bắt thực tế, chúng tôi biết rằng nhiều hộ dân có mức thu nhập cao hơn, nhưng vì sinh sống ở địa bàn khó khăn, tâm lý muốn nhận trợ cấp của Nhà nước nên không khai báo mức thu nhập thực tế. Nhiều người còn thật thà nói rằng nếu có điện, có đường sẽ viết đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Nắm bắt thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã, Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM xã đã tổ chức họp bàn, tìm giải pháp để huy động nguồn lực nội sinh, để người dân phát huy vai trò  chủ thể, tích cực tham gia chương trình. Ông Lý Bá Hội, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đình Lập cho biết: Để thực hiện được phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội của xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để phổ biến quán triệt, giao nhiệm vụ cho các thành viên liên quan. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể cơ sở, tuyên truyền vận động hội viên, Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM và chung tay, góp sức thực hiện.

Trước tiên, chính quyền, đoàn thể xã, thôn tổ chức tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền về xây dựng NTM thông qua các hội nghị, cuộc họp chuyên đề như: tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, hiến đất xây dựng các công trình… Trong đó, cán bộ, đảng viên phát huy vai trò nêu gương, đi đầu vận động người dân tham gia góp công, hiến đất, góp tiền mặt…. xây dựng đường, trường, trạm y tế và hạ tầng thiết yếu.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, các thành viên BCĐ, ban quản lý xây dựng NTM xã được phân công phụ trách các thôn thường xuyên tham dự các cuộc họp thôn để triển khai, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các tiêu chí; lắng nghe dân để có những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Từ đó, Nhân dân hiểu và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đồng thuận chung sức xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2012 – 2015, người dân xã đã hiến hơn 5.300 m2 đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, đóng góp gần 7 tỷ đồng (chiếm 12,8% tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM trên địa bàn xã); hơn 100 gia đình đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Đến năm 2015, diện mạo NTM trên địa bàn xã Đình Lập có sự chuyển biến rõ nét, hạ tầng được củng cố, đời sống người dân được nâng lên. Trên địa bàn có 2 hợp tác xã và 31 hộ tham gia mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, có chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi bò bán chăn thả; chăn nuôi dê; chăn nuôi vườn ao chuồng kết hợp nuôi chim cút đẻ trứng; trồng nấm sò; chăn nuôi vịt siêu trứng… Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 49% (năm 2011) xuống còn 9,12%. Năm 2015, xã Đình Lập là xã đầu tiên của huyện Đình Lập đạt chuẩn NTM.

5550

Người dân xã Đình Lập chăm sóc cây xanh dọc đường vào thôn Còn Đuống, xã Đình Lập

Sức lan của “làn gió mới”

Xã Đình Lập đạt chuẩn NTM là một bước chuyển quan trọng, đánh dấu một NTM hiện thực trên vùng đất nghèo. Đây là minh chứng khẳng định chương trình xây dựng NTM là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và khả thi đối với cả xã vùng ba đặc biệt khó khăn khi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung tay góp sức của Nhân dân. NTM hiện thực đó đã tạo nên “làn gió mới”, lan tỏa đến những vùng quê, thôi thúc cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các xã quyết tâm thực hiện, từng bước đổi mới diện mạo quê hương.

Qua những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM ở xã Đình Lập, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình về xây dựng NTM theo từng năm, từng giai đoạn phù hợp với thực tiễn; linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, áp dụng, triển khai phù hợp với đặc thù từng địa bàn. Cụ thể: Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 25/4/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về xây dựng NTM huyện Đình Lập giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 17/4/2017 của UBND huyện Đình Lập về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Đình Lập giai đoạn 2017 – 2020 và kế hoạch cụ thể cho từng năm… Trong đó nêu rõ “Các cơ quan cấp huyện tập trung vào nội dung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM” và xã Đình Lập trở thành tâm điểm để các xã học tập cách làm với nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu được nhân rộng.

Ông Nông Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Cường Lợi cho biết: Năm 2016, khi được lựa chọn chỉ đạo điểm để đạt chuẩn NTM, việc đầu tiên chúng tôi làm là tổ chức đến xã Đình Lập học tập cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng hệ thống văn bản và nhất là kinh nghiệm tuyên truyền, vận động. Ngoài ra xã còn tạo điều kiện, cử cán bộ, hội viên các hội đoàn thể đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế của xã Đình Lập. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã rà soát thực tế, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan và đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận, huy động sức dân. Nhờ đó, năm 2017, xã đạt chuẩn NTM và đạt 14/14 tiêu chí NTM nâng cao năm 2020.

MG 7493 200x300

 

“Tuy xuất phát điểm là một huyện nghèo nhưng sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Đình Lập đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nổi bật hơn so với các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Đến nay, diện mạo NTM trên địa bàn có những thay đổi rõ rệt với những công trình hạ tầng khang trang, những mô hình kinh tế quy mô lớn với thu nhập bình quân lên đến hàng trăm triệu đồng, cá biệt hàng tỷ đồng/năm. Để có được kết quả đó phải ghi nhận sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn luôn gần dân, sâu sát với dân, huy động tốt nhất sức dân (đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất) để hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí theo kế hoạch, lộ trình đề ra”.

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Lạng Sơn 

Trên cơ sở học tập kinh nghiệm, cách làm của xã Đình Lập, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đều ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình về xây dựng NTM phù hợp với thực tiễn của địa bàn, đơn vị, tạo được sự đồng thuận, chung tay góp sức của Nhân dân trên địa bàn. Kết quả, trong giai đoạn 2011 – 2020, Nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp được gần 44 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 4,5% so với tổng nguồn lực xây dựng NTM (982 tỷ đồng).

Nhờ đó, bộ mặt NTM trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế  –  xã hội ở nông thôn phát triển khá toàn diện. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) bước đầu mang lại kết quả tích cực. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân với thu nhập bình quân đạt 36,7 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,94% (năm 2015) xuống còn 12,26%. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Bà Đinh Thị Thu, thôn Nà Lòng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập cho biết: Trước năm 2012, thôn chưa có đường, có điện, dân đi lại rất khó khăn. Được họp thôn, nghe cán bộ tuyên truyền, chúng tôi nhận thấy xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao đời sống nên đã đồng thuận hiến đất, góp tiền, góp sức để xây dựng các công trình. Đến nay, đường thôn được bê tông hóa, sạch đẹp, có hàng rào cây xanh, điện chiếu sáng, cổng nhà có hoa, chúng tôi thấy quê mình như thay áo mới, đẹp hơn và thực sự trở thành một làng quê đáng sống.

Đến hết năm 2021, huyện Đình Lập có 7/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Đình Lập, Cường Lợi, Bính Xá, Bắc Xa, Kiên Mộc, Bắc Lãng, Thái Bình), chiếm tỷ lệ 70%; bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Đình Lập, Cường Lợi); toàn huyện có 3 khu dân cư kiểu mẫu và 13 thôn biên giới đạt chuẩn NTM. Đầu năm 2022, Đình Lập đã thoát khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước (theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022). Đến năm 2023, toàn huyện có 8/10 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và hiện đang phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 1 xã NTM, 1 xã NTM nâng cao. Những kết quả bước đầu đã tạo nên nền tảng, động lực để Đình Lập quyết tâm vươn tới mục tiêu lớn hơn – trở thành huyện NTM vào năm 2025.

(còn nữa)

Nguồn: baolangson.vn