Print this page
Thứ hai, 19 Tháng 12 2022 16:29

Thực hiện đề tài, dự án khoa học công nghệ: Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, việc triển khai các đề tài, dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần vào việc thúc đẩy xây dựng NTM trên địa bàn.

Triển khai 91 đề tài, dự án KH&CN

Năm 2018, gia đình ông Hoàng Văn Thạch, thôn Tân Châu, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng tham gia vào đề tài “Nghiên cứu nhân giống, trồng thâm canh và chế biến Măng Bát Độ tại huyện Hữu Lũng”. Đề tài do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam triển khai, thời gian thực hiện từ 2018 – 2021.

Ông Thạch cho biết: Năm 2016, gia đình tôi bắt đầu trồng tre Bát Độ lấy măng. Năm 2018, khi tham gia vào đề tài, dự án, gia đình tôi đã được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phân bón, trang thiết bị phục vụ cho việc chế biến măng. Từ sự hỗ trợ của đơn vị thực hiện đề tài đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng măng của gia đình. Cụ thể năm 2021, với 2 ha tre Bát Độ đã cho thu hoạch 15 tấn măng, tăng 5 tấn so với năm 2018. Chất lượng măng được nâng lên, thương lái tìm vào tận nơi thu mua với giá 7-8 nghìn đồng/kg. Từ những kỹ thuật được truyền đạt, sau khi kết thúc đề tài, dự án, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã đã áp dụng vào trồng, chăm sóc cây tre Bát Độ lấy măng và tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm.

 1 2

Người dân xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng kiểm tra sinh trưởng của cây mít sau khi ứng dụng KH&CN từ đề tài nghiên cứu phục tráng giống mít bản địa

Đề tài “Nghiên cứu nhân giống, trồng thâm canh và chế biến măng Bát Độ tại huyện Hữu Lũng” đã xây dựng được mô hình trồng mới thâm canh tre Bát Độ lấy măng với diện tích 10,5 ha tại 3 xã Hòa Bình, Quyết Thắng, Thiện Tân của huyện Hữu Lũng với 39 hộ dân tham gia. Sau 3 năm trồng, các mô hình có tỷ lệ sống 91,8%; xây dựng được mô hình thâm canh tre Bát Độ lấy măng trên diện tích đã có 15 ha tại các xã: Minh Sơn, Quyết Thắng và Thiện Tân, huyện Hữu Lũng với 65 hộ dân tham gia, năng suất trung bình cao hơn 28,2% so với mô hình đối chứng. Sau khi đề tài kết thúc, trên cơ sở các tiến bộ khoa học, kỹ thuật được triển khai, các hộ trồng tre Bát Độ lấy măng đã chủ động áp dụng để mở rộng diện tích, sản xuất, chế biến đảm bảo quy trình, kỹ thuật để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Một đề tài khác là đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác rải vụ na tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” được triển khai thành công đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị quả Na Chi Lăng. Theo đó, đề tài được triển khai trong giai đoạn 2017 – 2021. Sau một thời gian, đơn vị thực hiện đã xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác rải vụ thu hoạch na phù hợp với điều kiện sản xuất tại huyện Chi Lăng; xây dựng được 2 mô hình canh tác rải vụ na diện tích 1,5 ha với sự tham gia của 3 hộ dân tại thôn Quán Thanh và thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng. Kết quả cho thấy, na kéo dài thời gian thu hoạch quả muộn hơn so với chính vụ khoảng 3 đến 4 tháng (đến cuối tháng 11), năng suất đạt trên 30 kg/cây, các chỉ tiêu sinh hóa của quả đảm bảo chất lượng, quả có mẫu mã đẹp, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với mô hình đối chứng chỉ thu 1 vụ quả/năm.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Từ việc nghiên cứu, áp dụng thành công các đề tài KH&CN cộng với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi của nông dân, mô hình trồng na trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, diện tích na trên địa bàn huyện Chi Lăng khoảng 2.300 ha, doanh thu bình quân 1 năm đạt khoảng 700 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016.

Cùng với 2 đề tài kể trên, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh còn triển khai nhiều đề tài, dự án KH&CN phục vụ xây dựng NTM. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt 2 chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM tại 2 huyện: Hữu Lũng và Đình Lập; chương trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn… Cũng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 91 nhiệm vụ KH&CN phục vụ xây dựng NTM. Tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ để thực hiện gần 50 tỷ đồng.

Phát huy hiệu quả các đề tài, thúc đẩy xây dựng NTM

Trong số các đề tài, dự án được triển khai có 80% số đề tài, dự án đã nghiệm thu và phát huy hiệu quả, các đề tài còn lại hiện nay tiếp tục được nghiên cứu. Các đề tài dự án đều tập trung vào nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN tiên tiến vào các khâu giống và quy trình kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của tỉnh; nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để đảm bảo sản phẩm tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể, các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu vào chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh; các quy trình bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM như các sản phẩm na, bạch đàn, thông, quýt, trám đen, mít, dứa, măng, trà hoa vàng, đào, hồng không hạt, chanh rừng, gà 6 ngón, lợn… Nổi bật như đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục tráng và phát triển giống dứa bản địa tại huyện Hữu Lũng” đã xây dựng được 3 mô hình thâm canh dứa theo tiêu chuẩn VietGAP áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quy mô 10 ha ở 3 xã: Nhật Tiến, Minh Sơn, Minh Hòa, huyện Hữu Lũng; năng suất thực thu đạt 43,1 – 44,5 tấn/ha, tăng 24,6 – 27,2% so với đối chứng; hiệu quả kinh tế tăng cao hơn 42,1 – 74,6% so với mô hình đối chứng…

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng tập trung vào các giống cây trồng, vật nuôi mới như thâm canh giống táo Đài Loan, xoài ăn xanh, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao cho dưa vàng, hoa lan, hoa tuylip; bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch như ứng dụng chế phẩm sinh học nhằm kéo dài thời gian thu hoạch cho một số loại quả có giá trị kinh tế cao; công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn, bảo vệ môi trường như ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào nhân giống khoai tây, khoai môn, gừng đá, chuối tiêu hồng, một số giống hoa, giống cây lâm nghiệp như bạch đàn, keo, một số loại hoa…

Từ các đề tài, dự án được nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn đã góp phần không nhỏ vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm trên địa bàn. Từ đó, trực tiếp góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nói chung, trong đó trực tiếp thực hiện một số tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh như thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường… Dự kiến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 95/181 xã đạt tiêu chí thu nhập; 90/181 xã đạt tiêu chí hộ nghèo; 99/181 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn… Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM chung trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dự kiến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 85 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 47% tổng số xã trên địa bàn; 17 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao; công nhận 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Từ những kết quả đạt được trong những năm qua, hy vọng thời gian tới, việc triển khai nhiệm vụ KH&CN phục vụ chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả rõ nét hơn nữa. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung, trong đó có chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

2

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Nhiều đề tài, dự án giai đoạn 2016 – 2022 sau khi nghiên cứu, ứng dụng đã góp phần trực tiếp vào tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống cho Nhân dân ở nông thôn trên địa bàn tỉnh; tích cực góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hoạt động ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KH&CN đã có những đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, nâng cao trình độ tiếp thu tiến bộ kỹ thuật của người dân. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào ứng dụng và mở rộng trong sản xuất. Một số kỹ thuật mới được đưa vào ứng dụng có hiệu quả đã tạo ra hướng đi, triển vọng mới cho sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, đã khẳng định vai trò, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhiều sản phẩm nông, lâm sản đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát huy được danh tiếng, uy tín, góp phần thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm”.

Nguồn: baolangson.vn