Thứ năm, 03 Tháng 11 2022 16:41

Nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách chương trình OCOP

Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã chú trọng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, góp phần thúc đẩy triển khai chương trình OCOP có hiệu quả theo kế hoạch của tỉnh đề ra.

Ngày 13/8/2019, UBND tỉnh phê duyệt đề án Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2019 – 2020, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội các cấp và sự ủng hộ của người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp, chương trình OCOP đã bước đầu được triển khai có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm.

 1 2 1

Các cán bộ phụ trách chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh và chủ thể tham gia chương trình OCOP dự tập huấn phát triển nguồn nhân lực thuộc chương trình OCOP do Sở NN&PTNT tổ chức tháng 10/2022

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai chương trình còn một số hạn chế như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở về chương trình còn chưa đầy đủ, lúng túng trong triển khai, lập kế hoạch thực hiện, lựa chọn các chủ thể tham gia sản xuất; việc tiếp cận chương trình của chủ thể sản xuất kinh doanh còn chậm, chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa chương trình nên công tác tổ chức phối hợp thực hiện còn gặp nhiều khó khăn…

Theo ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để thực hiện hiệu quả mục tiêu chương trình đề ra, chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng, phát triển nguồn lực, trọng tâm là đẩy mạnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, đào tạo tập huấn.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Sở NN&PTNT đã trực tiếp phối hợp với các đơn vị tổ chức được 54 hội nghị tập huấn chuyên sâu về nguyên tắc, quy trình triển khai chương trình OCOP, đánh giá chất lượng sản phẩm, đăng ký ý tưởng, kế hoạch sản xuất… cho cán bộ chuyên môn cấp huyện, xã trực tiếp được giao nhiệm vụ triển khai OCOP và các chủ thể tham gia chương trình với trên 3.540 lượt người tham dự và cấp phát 3.540 bộ tài liệu. Qua công tác đào tạo, tập huấn cơ bản đã giúp cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nắm được nội dung của chương trình để tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể và cộng đồng dân cư thực hiện.

Cùng đó, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP cũng được sở phối hợp đẩy mạnh. Từ năm 2021 đến nay, sở đã tổ chức lồng ghép được gần 100 hội nghị tuyên truyền cho khoảng 5.210 lượt người. Thông qua tuyên truyền, nhận thức của các cá nhân, tổ chức về ý nghĩa, lợi ích và quy trình tham gia xây dựng sản phẩm OCOP được nâng cao, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong cộng đồng dân cư.

Ông Vi Văn Cách, Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông, lâm nghiệp Liên Sơn, huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian qua, tôi đã được tham gia các hội nghị tuyên truyền, tập huấn về nâng cao năng lực triển khai chương trình OCOP của huyện và tỉnh. Qua đó, tôi hiểu được ý nghĩa thiết thực và các bước xây dựng một sản phẩm OCOP. Hiện, HTX đã và đang triển khai các điều kiện để phấn đấu trong năm 2023, sản phẩm chè lá vối, trà nụ vối của HTX được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đặc biệt, việc tổ chức tham quan, học tập mô hình tổ chức, cách thức triển khai thực hiện chương trình OCOP tại các tỉnh được các cấp, ngành chức năng quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 1 đoàn gồm các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tổ tư vấn giúp việc, UBND các huyện, xã, chủ thể tham gia OCOP đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Đồng.

Ông Hoàng Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định cho biết: Năm 2020 và 2021, HTX được cán bộ huyện và xã hướng dẫn xây dựng sản phẩm gạo bao thai hồng, gạo nếp cái ong vàng đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm của HTX đã có đầy đủ tem truy xuất, bao bì nhãn mác, đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, nhờ đó, được nhiều người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Hà Nội… Sản lượng tiêu thị tăng, hiện trung bình một ngày, HTX tiêu thụ khoảng 1 tấn gạo (tăng gấp đôi so với năm 2018).

Nhờ thực hiện các giải pháp trên đã giúp nâng cao nhận thức, trình độ và khả năng hướng dẫn, triển khai chương trình OCOP của đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Minh chứng là hiện nay, toàn tỉnh có 94 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (tăng 64 sản phẩm so với giai đoạn 2019 – 2020), trong đó, 73 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Nguồn: baolangson.vn