Print this page
Thứ sáu, 28 Tháng 2 2020 07:35

Bình Gia: Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa

         Từ năm 2018 đến nay, với việc khai thác hiệu quả các nguồn vốn, sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền cùng người dân, huyện Bình Gia đã xây dựng thành công 74 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

         Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và khai thác hợp lý quỹ đất của gia đình, ông Lăng Văn Eng, thôn Nà Ngùa, xã Hồng Thái đã xây dựng thành công mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng lấy thịt, mỗi năm xuất từ 2 đến 3 lứa, trừ chi phí, cho thu nhập 250 triệu đồng.

         Ông Eng cho biết: “Với hơn 6 sào đất trồng cỏ voi và chuối làm nguồn thức ăn tự nhiên, gia đình tôi duy trì con giống trong chuồng từ 20 đến 35 con trâu, bò. Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch, nguồn thức ăn nhiều nên số con giống luôn trên 25 con, cứ xuất chuồng đến đâu lại nhập con giống vào nuôi gối đến đấy nên trong chuồng lúc nào cũng có con giống đủ chất lượng cung cấp cho thị trường”.

BG PT NN theo hướng hàng hóa

Người dân thôn Nà Ngùa, xã Hồng Thái chăm sóc đàn trâu nuôi nhốt chuồng của gia đình

         Hiện tại, mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã được nhân rộng trên địa bàn xã Hồng Thái. Theo thống kê của xã đã có 35 hộ đầu tư thành công mô hình quy mô từ 5 con trở lên, trong đó có mô hình đầu tư tiền tỷ với quy mô hơn 100 con. Trong năm 2019, các mô hình đều phát huy hiệu quả, cho thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng đến 600 triệu đồng/năm.

         Không chỉ riêng xã Hồng Thái thành công với các mô hình chăn nuôi mà từ năm 2018 đến nay, trên cơ sở điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và kinh nghiệm của người dân đặc biệt là đánh giá hiệu quả kinh tế thực tế của cây trồng, vật nuôi đem lại, UBND huyện Bình Gia đã xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực tại địa phương như: cây lâm nghiệp, cây hồi, cây quýt, các loại cây ăn quả, phát triển các mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, chăn nuôi bán chăn thả,… Đến nay, nhiều mô hình, dự án bước đầu đã cho thấy kết quả rất khả quan và có khả năng tiếp tục nhân rộng, phát triển.

         Ông Đào Thế Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện giao UBND các xã trực tiếp làm chủ đầu tư và lựa chọn triển khai thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng dẫn, quan điểm chỉ đạo của tỉnh, huyện. Trong đó ưu tiên hỗ trợ nhân rộng các mô hình đã được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn huyện gắn với việc xác định sản phẩm chủ lực, phát triển các cây, con có thế mạnh tại xã; khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ, tiến tới liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

         Theo đó, từ năm 2018 đến nay, huyện Bình Gia đã xây dựng thành công 74 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tại 19 xã. Các mô hình được triển khai chủ yếu từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a, Chương trình 135 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 26,4 tỷ đồng. Trong đó đã có một số mô hình được xây dựng nhãn nhiệu, tạo dựng thương hiệu sản phẩm như: sản phẩm chè của Hợp tác xã Chè dưới tán hồi (tiêu chuẩn VietGAP), mô hình sản xuất hồi đạt chứng nhận Organic (sản xuất hữu cơ) tại thị trấn Bình Gia.

         Ông Bùi Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban, các xã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh việc liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình, khuyến khích các hộ dân thành lập các tổ hợp tác nông nghiệp, các hợp tác xã để phát triển kinh tế; tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các cây trồng, vật nuôi phù hợp có giá trị, có thị trường ổn định để phát triển, cùng với đó là tìm kiếm các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nguồn: baolangson.vn