Thứ hai, 29 Tháng 5 2023 15:18

Tân Văn: Đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Văn, huyện Bình Gia đã chú trọng định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất có hiệu quả.

Những ngày cuối tháng 5/2023, cùng cán bộ xã Tân Văn, chúng tôi có dịp tham quan mô hình chăn nuôi dê của anh Hoàng Văn Thưởng, thôn Suối Cáp. Anh Thưởng chia sẻ: Năm 2017, nhận thấy đất đồi rộng, thích hợp cho việc chăn thả gia súc, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi dê với số lượng 18 con. Sau một thời gian chăn nuôi, thấy hiệu quả kinh tế, gia đình tôi bắt đầu tăng đàn, thời điểm nhiều nhất lên đến 130 con. Hiện nay, trong chuồng luôn duy trì khoảng 50 con dê để phục vụ nhu cầu của các nhà hàng trong và ngoài huyện. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán trên 50 con dê với giá từ 2 đến 2,5 triệu đồng/con, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

 1 16

Người dân thôn Suối Cáp, xã Tân Văn chăm sóc đàn trâu

Không chỉ gia đình anh Thưởng, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Văn đã chủ động xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên phát triển kinh tế. Đến nay, người dân toàn xã đã phát triển được trên 50 mô hình sản xuất hiệu quả, tiêu biểu như: mô hình trồng hồi (với tổng diện tích 300 ha); mô hình trồng cây quýt (50 ha); mô hình trồng cây thanh long (6 ha); mô hình trồng mắc ca (100 ha); mô hình trồng cây mác mật (100 ha); mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh (2.000 con); mô hình chăn nuôi trâu, bò (1.000 con); mô hình chăn nuôi dê (900 con)… đem lại thu nhập cho nhiều hộ từ 150 đến 250 triệu đồng/năm. Ngoài các mô hình trên, người dân trên địa bàn xã hiện đang tiếp tục thử nghiệm một số mô hình khác như: trồng cát sâm, nho hạ đen, mướp đắng…

Ông Nông Duy Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết: Tân Văn là xã thuần nông, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển lâm nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc. Để người dân có kỹ thuật nuôi, trồng hiệu quả, đối với mỗi mô hình chúng tôi tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các hộ gồm cả tập huấn định kỳ và tập huấn chuyên đề. Đối với các mô hình phát triển tốt, bước đầu mang lại hiệu quả, chúng tôi hướng dẫn bà con mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng. Cùng với đó, xã vận động thành lập và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Đến nay, xã đã vận động thành lập được 3 HTX và 4 tổ hợp tác nông lâm nghiệp.

Ông Nông Văn Viên, thôn Kéo Coong chia sẻ: Năm 2012, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ở xã tôi biết đến mô hình trồng cây mắc ca, tôi đã mạnh dạn đầu tư 300 cây giống mắc ca trồng tại vườn. Năm 2018, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi mở rộng diện tích lên 2 ha, trung bình mỗi năm, sản lượng mắc ca của gia đình đạt khoảng 1,3 tấn, với giá bán 200 nghìn đồng/kg khô, đem lại cho gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng. Năm 2019, với mong muốn tập hợp bà con trên địa bàn xã có cùng sở thích trồng cây mắc ca, cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cung ứng dịch vụ nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây, tôi đã thành lập HTX Nông lâm nghiệp Mắc ca Kéo Coong, gồm 12 thành viên. Đến nay, các thành viên HTX đã trồng được trên 15 ha.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2018 đến nay, UBND xã đã hỗ trợ phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tại các thôn với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng phục vụ sản xuất. Riêng trong năm 2023, từ nguồn vốn thuộc chương trình xây dựng NTM, UBND xã tiếp tục hỗ trợ 400 triệu đồng thực hiện mô hình trồng cây mắc ca, tại thôn Nà Vước, Kéo Coong, Trà Lẩu với 100 hộ tham gia, diện tích 14 ha và hướng dẫn người dân xây dựng mô hình trồng lúa Nhật J02. Theo đó, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Có thể thấy, việc phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập của bà con trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 3,9% (năm 2022), giảm 20,1% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46,1 triệu đồng/người/năm, tăng 26 triệu đồng/người/năm so với năm 2016.

“Thời gian qua, Tân Văn là xã điển hình trong phát triển sản xuất với các mô hình đa dạng, chú trọng tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Qua đó, giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn xã. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí NTM nâng cao”.

Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện

Nguồn: baolangson.vn