Thứ ba, 13 Tháng 12 2022 11:04

Phát triển chuỗi liên kết ở Chi Lăng: “Chìa khóa” nâng cao giá trị sản xuất

Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Do vậy, thời gian qua, UBND huyện Chi Lăng đã chú trọng thực hiện nội dung này, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển được 6 chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân trên địa bàn từ việc cung ứng đầu vào đến thu hoạch, bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, Chi Lăng là một trong những huyện ở tốp đầu hình thành chuỗi liên kết bền vững có sự tham gia của các doanh nhiệp lớn. Cụ thể như: chuỗi liên kết sản phẩm hồi của Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn với người dân trên địa bàn; liên kết sản xuất, sơ chế thuốc lá của 4 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Ngân Sơn Chi nhánh Lạng Sơn, Công ty TNHH Việt Trung, Doanh nghiệp tư nhân Quốc Cường, Công ty TNHH Tâm Thịnh) đầu tư trồng và tiêu thụ thuốc lá với người dân các xã trên địa bàn; chuỗi liên kết sản phẩm na Chi Lăng giữa tổ hợp tác, hộ dân với các doanh nghiệp, HTX…

 1

Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc cây na

Ông Nguyễn Ngọc Khương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn cho biết: Những năm qua, trên địa bàn huyện có nhiều điều kiện phát triển trồng khoai tây vụ đông, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, do đó, công ty đã thực hiện ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân tại huyện Chi Lăng. Theo đó, công ty cung ứng giống đảm bảo chất lượng, tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho bà con. Vụ đông xuân năm 2021 – 2022, công ty đã thu mua gần 200 tấn khoai tây. Bước sang vụ đông xuân năm 2022 – 2023, công ty tiếp tục liên kết sản xuất, tiêu thụ với tổng diện tích khoảng 43 ha tại 6 xã trên địa bàn huyện. Nhờ đó, công ty thu được sản phẩm chất lượng, đồng thời, người trồng khoai tây cũng đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, yên tâm về đầu ra sản phẩm.

Tương tự, Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn chủ yếu liên kết để sản xuất, tiêu thụ hồi hữu cơ. Theo đó, năm 2020 – 2021, công ty đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồi với người dân tại 2 xã: Thượng Cường, Gia Lộc. Trong năm 2022, công ty đã mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ thêm 2 xã: Bằng Hữu, Hòa Bình với tổng diện tích 173,7 ha nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu hồi phục vụ cho chế biến tinh dầu hồi.

Hình thức tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị trên góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, hướng đến sản xuất theo kế hoạch, bám sát nhu cầu thị trường tiêu thụ, ổn định giá. Sản phẩm từ các chuỗi liên kết bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị như: Winmart, H Pro… và xuất ra thị trường nước ngoài như Nhật Bản, giúp người dân yên tâm sản xuất, không lo đầu ra. Đồng thời, nhờ chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi, sản lượng và chất lượng vùng sản xuất các sản phẩm ngày càng ổn định, cụ thể: vùng na sản lượng đạt trên 20.000 tấn/năm, doanh thu đạt khoảng 700 tỷ đồng/năm; thuốc lá đạt khoảng 2.000 tấn/năm, thu được trên 100 tỷ đồng/năm; sản phẩm hoa hồi khô đạt từ 600 – 1.000 tấn/năm, giá trị đạt khoảng 130 tỷ đồng…  Từ đó, giá trị sản xuất nông nhiệp trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên. Đơn cử, năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện ước đạt 1.974,4 tỷ đồng, tăng 3 % so với năm 2021.

Ông Hoàng Văn Chính, thôn Đông Quan, xã Bằng Mạc cho biết: Mỗi vụ thuốc lá gia đình trồng khoảng 3 sào. Trước đây, tôi phải tự tìm nơi tiêu thụ rất khó khăn. Năm 2020, được sự hỗ trợ của UBND xã, chúng tôi thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Bằng Mạc với 8 thành viên liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Ngân Sơn. Do đó, sản phẩm sản xuất ra được công ty thu mua toàn bộ, người dân chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Những năm qua, bám sát vào định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn chú trọng tuyên truyền đến người dân về sự cần thiết và những lợi ích mang lại của việc liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; vận động các HTX và bà con thực hiện tốt khâu sản xuất và tăng cường hoạt động sản xuất theo hình thức liên kết theo chuỗi giá trị, đúng quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng nông nghiệp tốt. Đồng thời, huyện tạo mọi điều kiện nhằm khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, giao chỉ tiêu mỗi xã lựa chọn 1 hoặc 2 sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển, tạo chuỗi liên kết nhằm sản xuất khối lượng sản phẩm lớn đồng nhất về chất lượng, hướng tới xuất khẩu.

Nguồn: baolangson.vn