Thứ sáu, 28 Tháng 10 2022 10:18

Khởi nghiệp thành công từ chế biến thạch đen

Tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021 do UBND tỉnh tổ chức, ý tưởng “Nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tối đa lợi ích từ cây thạch đen” của chị Hà Thị Tuyết Nhung, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã đoạt giải 3 vì khả năng áp dụng vào thực tiễn hiệu quả kinh tế. Sau một năm tham gia cuộc thi, đến nay, sản phẩm thạch đen Hồng Nhung không chỉ tạo được uy tín với người tiêu dùng trong tỉnh mà còn được ưa chuộng tại nhiều tỉnh, thành phố.

Xuất phát từ thực tế cây thạch hầu hết được xuất sang thị trường Trung Quốc dưới dạng nguyên liệu thô nên giá bán rất rẻ và thường xuyên bị tư thương ép giá, chị Hà Thị Tuyết Nhung đã có ý tưởng khởi nghiệp “Nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tối đa lợi ích từ cây Thạch đen”.

1 6

Nhân công tại cơ sở sản xuất thạch đen Hồng Nhung tiến hành đóng gói sản phẩm

Chị Hà Thị Tuyết Nhung cho biết: Trước đây, gia đình tôi đã sản xuất thạch đen theo phương pháp thủ công truyền thống. Năm 2021, sản phẩm thạch đen Hồng Nhung đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Từ đây, tôi đã có ý tưởng xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất thạch đen nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tạo sự gắn kết với cộng đồng và chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất kinh doanh.

Áp dụng ý tưởng vào thực tiễn sản xuất của gia đình, tác giả đã đề xuất hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số hộ trồng cây thạch trên địa bàn huyện. Trong đó, những hộ trồng cây thạch đen phải tuân thủ các nguyên tắc về thực hành nông nghiệp tốt để tạo ra sản phẩm có hình thức đẹp, chất lượng đồng đều, thơm ngon, bổ dưỡng. Đối với quy trình sản xuất, năm 2021, cơ sở đã đầu tư các máy móc, trang thiết bị hiện đại như: phòng lạnh bảo quản sản phẩm, máy quấy, máy chiết rót, đóng gói sản phẩm… Cùng với đó, tác giả cũng nghiên cứu thay đổi bao bì, sử dụng nắp hộp đóng gói kín, tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn; đồng thời thiết kế tem vỡ chống hàng giả và có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hộp đựng được đóng gói theo quy cách 0,5 g – 1kg phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Hộp nhựa dùng một lần được thay bằng hộp giấy với thiết kế đẹp mắt, tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Cùng với đó, các kênh bán hàng, quảng cáo sản phẩm được chú trọng, tác giả đã xây dựng 1 trang thông tin điện tử để quảng bá sản phẩm; chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như portmart.vn, voso.vn và tham gia các hội chợ thương mại để quảng bá sản phẩm. Đến nay, sản phẩm đã được người tiêu dùng tại một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… tin dùng.

Bên cạnh sự đầu tư của gia đình, tác giả còn nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, huyện về kinh phí thuê mặt bằng mở rộng thị trường, tham gia các hội chợ thương mại, thủ tục pháp lý, công tác quảng bá sản phẩm… nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm đã có thêm nhiều người tiêu dùng biết đến. Đơn cử như tại hội chợ OCOP khu vực phía Bắc tổ chức tại Quảng Ninh ngày 31/8 vừa qua, khoảng 800kg thạch đen Hồng Nhung được bán hết trong 3 ngày.

Chị Vi Thị Cơ, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tại hội chợ OCOP khu vực phía Bắc vừa qua, tôi đã được thưởng thức Thạch đen Hồng Nhung và rất ấn tượng với sự thơm ngon của sản phẩm. Tôi đã mua 10 hộp cho gia đình và tặng cho người thân, ai cũng thích món ăn này vì rất ngon lại tốt cho sức khỏe.

Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm thạch đen Hồng Nhung, tác giả còn tận dụng bã thạch, tro bếp thải ra trong quá trình chế biến làm phân bón cho cây trồng. Bã thạch sau khi chiết được xử lý nhằm loại bỏ nấm mốc, ủ hoai trở thành một loại phân bón hữu cơ rất tốt cho các loại cây trồng vừa hạn chế được rác thải ra môi trường. Bước đầu sản phẩm cơ sở đã cung cấp cho hội viên phụ nữ có nhu cầu trên địa bàn để bón cho các loại cây ăn quả cũng như cây thạch đen.

Nhờ mạnh dạn đổi mới phương pháp sản xuất, tăng cường cơ giới hóa, chú trọng khâu bảo quản và quảng bá mà sản phẩm thạch đen Hồng Nhung ngày càng nâng cao chất lượng, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Trong năm 2021, cơ sở sản xuất khoảng 200 tấn thạch thành phẩm, cho doanh thu khoảng 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 9 lao động thường xuyên và khoảng 21 lao động thời vụ. Năm 2022, cơ sở duy trì sản lượng sản xuất này. Việc liên kết trong khâu sản xuất cũng như mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm thạch đen của cơ sở Hồng Nhung không chỉ nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường mà còn tạo đầu ra ổn định cho người trồng cây thạch đen và tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị cây thạch đen trên thị trường.

Nguồn: baolangson.vn