Thứ ba, 23 Tháng 7 2019 08:24

Hữu Lũng: Ngọt ngào mùa mít

         Mít là cây trồng truyền thống của huyện Hữu Lũng với giống bản địa đặc trưng có hương vị thơm ngon, ngọt dịu. Năm nay, người trồng mít Hữu Lũng đón một mùa mít “ngọt” vì mít vừa được mùa lại được giá.

         Thời điểm này dạo quanh các vườn cây ăn quả của thôn Lót – Bồ Các, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, ấn tượng với chúng tôi là hình ảnh những cây mít cổ thụ với nhiều tầng quả, sai trĩu chịt.

         Ông Từ Văn Hà, thôn Lót – Bồ Các, xã Minh Sơn chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 6 cây mít gồm cả mít mật và mít dai. Năm nay, trung bình mỗi cây cho thu hoạch từ 50 đến 60 quả, nhiều hơn từ 15-20 quả/cây so với mọi năm. Không những được mùa, với giá bán ổn định 8 – 10 nghìn đồng/kg mít mật và 15 – 18 nghìn đồng/kg mít dai, dự kiến gia đình tôi thu từ 10 – 15 triệu đồng, cao hơn 5 triệu đồng so với năm 2018.

Huu Lung Ngot ngao mua mit

Người dân thôn Kép 1, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng thu hái mít

         Không chỉ gia đình ông Hà, năm nay, hầu như tất cả các hộ trồng mít trên địa bàn huyện Hữu Lũng đều đón chung niềm vui được mùa, được giá.

         Hiện nay Hữu Lũng là huyện có diện tích mít lớn nhất trong toàn tỉnh với gần 60 ha, trong đó, khoảng 40 ha đang cho thu hoạch. Ở huyện, mít được trồng ở tất cả các xã, trong đó tập trung ở một số xã: Đồng Tân, Cai Kinh, Hòa Lạc, Minh Sơn, Vân Nham, Sơn Hà, Minh Tiến…

         Mít là cây trồng bản địa của huyện được trồng nhiều từ năm 1990 đến năm 1995. Sau đó, giá quả bấp bênh, nhiều hộ gia đình đã phá bỏ cây mít. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân lại bắt đầu tìm mua mít Hữu Lũng nhiều nên giá quả có xu hướng ngày càng tăng. Từ đó, người dân tiếp tục quan tâm, chăm sóc và mở rộng diện tích trồng mới. Bên cạnh giống mít bản địa, người dân Hữu Lũng còn mạnh dạn đưa một số giống mít mới vào trồng thử nghiệm như: mít Thái, mít không hạt, mít nghệ Tiền Giang…

         Bà Vi Thị Đào, thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân cho biết: Nhà tôi có 3 cây mít cổ thụ, vài năm trở lại đây nhiều khách quen trực tiếp đến tận vườn hỏi mua và trả giá cao hơn so với trước đây. Vì vậy, năm 2015, tôi trồng hơn 100 cây mít Thái và mít ruột đỏ. Năm nay, bên cạnh 3 cây mít cổ thụ được mùa, vườn mít giống mới cũng đã bắt đầu bói quả với chất lượng quả ngon, ngọt, thơm, múi to, dày. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc vườn mít để nâng cao thu nhập.

         Để tạo điều kiện cho người dân phát triển trồng cây ăn quả trong đó có cây mít, hằng năm, trên cơ sở nhu cầu đăng ký tập huấn của các xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, ghép cây cho bà con.

         Cùng với đó, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân chú trọng duy trì các diện tích mít hiện có; đưa một số giống mít mới có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao vào trồng.

         Theo ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hữu Lũng: Mít là một trong những cây trồng truyền thống của huyện Hữu Lũng. Năm nay, mít được mùa với năng suất ước đạt 110,11 tạ/ha, sản lượng ước đạt 403,88 tấn; giá bán ổn định và cao hơn các năm trước từ 3 đến 4 nghìn đồng/kg.

         Để duy trì và phát triển bền vững cây mít, từ năm 2017, huyện Hữu Lũng đã xây dựng đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục tráng và phát triển giống mít bản địa tại huyện Hữu Lũng”; thời gian từ năm 2018 đến năm 2021. Cùng với đó, năm 2018, huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho quả tươi Hữu Lũng (trong đó có quả mít).

         “Thời gian tới, để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây mít huyện sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng và chăm sóc cây theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết thị trường, kết nối giữa doanh nghiệp và nhà vườn để duy trì đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho bà con”. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết.

Nguồn: baolangson.vn