Print this page
Thứ hai, 08 Tháng 11 2021 11:24

Hội viên nông dân làm kinh tế giỏi

Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được đông đảo hội viên nông dân của thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn hưởng ứng tham gia. Trong đó, ông Phạm Bá Ánh (sinh năm 1963) là một hội viên tiêu biểu thực hiện phong trào này. Mô hình sản xuất bánh phở và chăn nuôi lợn đã đem lại cho gia đình ông thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Phạm Bá Ánh có truyền thống làm bánh phở tại xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Từ năm 1991, ông Ánh đã cùng vợ con lên định cư và lập nghiệp tại thôn Vĩnh Thuận, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn. Tại đây, ông đã lựa chọn phát triển nghề làm bánh phở truyền thống của gia đình để tăng thu nhập và vươn lên làm giàu.

Vào một ngày đầu tháng 7/2021, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Hội Nông dân thị trấn Bắc Sơn đến thăm cơ sở sản xuất bánh phở của gia đình ông Ánh. Tại đây, hệ thống máy móc sản xuất bánh phở được ông đầu tư theo dây chuyền khép kín, hiện đại, sử dụng bằng năng lượng điện.

 hoi vien

Ông Phạm Bá Ánh sắp xếp bánh phở để chuẩn bị đóng túi giao cho khách hàng

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết: thời gian đầu, khi gia đình mới chuyển đến huyện Bắc Sơn, các công đoạn sản xuất bánh phở từ xay bột, tráng bánh, cắt bánh đều được ông Ánh làm thủ công. Lúc đó, số lượng bánh phở thành phẩm được sản xuất ra chỉ đạt 40 kg/ngày và chủ yếu cung cấp cho một số quán bán đồ ăn sáng trong khu vực huyện Bắc Sơn với giá bán trung bình 13.000 đồng/kg.

Theo ông Ánh, chất lượng là yếu tố rất quan trọng để giữ chân khách hàng, do đó, ông luôn thực hiện đúng các khâu trong quá trình sản xuất như: lựa chọn gạo, dùng nước sạch, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào… Vì thế, qua kết quả đã kiểm định của cơ quan chức năng, bánh phở của gia đình ông đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ chất lượng bánh phở ngon, thơm, khách hàng ngày càng ưa chuộng, số đơn đặt hàng ngày càng nhiều, ông Ánh đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất. Ông Ánh cho biết: Từ năm 2016, tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng, mua máy vo gạo, sát bột và dây chuyền tráng, sấy tự động theo quy trình khép kín. Nhờ đó, mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 150 kg đến 200 kg bánh phở, sản phẩm làm ra không chỉ cung cấp trong huyện mà mở rộng ra các huyện Văn Quan, Bình Gia và huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên). Từ làm bánh phở, gia đình tôi thu nhập trên 180 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Bên cạnh đó, ông Ánh còn tận dụng nước gạo, vụn bánh làm thức ăn chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi năm, ông nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 12 đến 15 con, mỗi năm xuất bán hơn 20 tấn lợn, đem lại thu nhập hơn 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ánh còn tích cực tham gia các phong trào và hoạt động của địa phương như: quyên góp từ thiện và  ủng hộ kinh phí xây dựng, tu bổ các di tích trên địa bàn. Ngoài ra, ông Ánh được người dân trong thôn bầu làm người có uy tín ở khu dân cư, bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vĩnh Thuận. Với vai trò trên, ông đã vận động, hướng dẫn người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Cụ thể, ông tuyên truyền, tư vấn cho 4 hộ áp dụng công nghệ hiện đại, an toàn vào sản xuất bánh phở, cho thu nhập của mỗi hộ đạt từ 120 đến 150 triệu đồng/năm; hướng dẫn 2 hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn giống và lợn thịt; hỗ trợ một số hộ phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, trồng cây ăn quả đem lại thu nhập bình quân từ 70 đến 80 triệu đồng/năm…

Đặc biệt, tháng 9/2020, ông Ánh đã mạnh dạn vận động một số hội viên nông dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ và chăn nuôi Hợp Tiến chuyên về sản xuất cao khô và chăn nuôi lợn, với 10 thành viên tham gia.

Nhận xét về ông Ánh, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bắc Sơn cho biết: Ông Ánh là một hội viên điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn, đem lại thu nhập cao cho gia đình và tạo việc làm cho 4 đến 5 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, các hoạt động hội ông Ánh tham gia rất nhiệt tình, nhất là trong đợt dịch Covid-19 này khi huyện đón công nhân tại các khu công nghiệp trở về địa phương, ông Ánh đã tình nguyện tham gia hỗ trợ vận chuyển các suất cơm hằng ngày từ nơi nấu ăn đến nơi cách ly của công nhân. Việc làm của ông Ánh cũng như sự năng động trong phát triển kinh tế thực sự trở thành một tấm gương để các hội viên khác noi theo.

Nguồn: baolangson.vn