Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 02:19

Gian nan nơi vùng sâu thiện kỵ

         Cái tên Thiện Kỵ khi được nhắc đến đã tạo cho con người ta cùng có chung một cảm giác - đó là một vùng quê xa xôi, hẻo lánh, lắm dốc, nhiều đèo xen với những vách đá dựng đứng bao quanh đồng đất, là “Vương Quốc” của những “Kỵ Mã” trên cao nguyên mênh mang nào đó. Trên thực tế, đó lại là một vùng quê đa sắc màu về kinh tế, văn hóa, dân tộc. Nó đã để lại biết bao sự nghĩ suy day dứt cũng như sự cảm thông sâu nặng cho bất cứ ai đến thăm và làm việc với đồng bào các dân tộc nơi đây.

         Cái khó bó cái khôn

         Thiện Kỵ là một xã vùng Ba của huyện Hữu Lũng, cách trung tâm huyện lỵ chừng 30 Km về phía Tây Nam. Thiện Kỵ có diện tích tự nhiên gần 28 Km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 588 ha, đất rừng trồng gần 80 ha, còn lại là đất núi đá, ao hồ, sông suối, đầm lầy và đất khác. Nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây chủ yếu từ ruộng, rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số hộ dân làm nghề buôn bán tự do, một số hộ dân (chủ yếu là thanh niên) vượt “vũ môn” thoát ly ra ngoài để đi làm thuê cho một số Công ty ngoài tỉnh. Thiện Kỵ có 830 hộ dân với 3.400 nhân khẩu thuộc 6 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó dân tộc Cao Lan (Sán Chay) chiếm gần một nửa, còn lại là Nùng, Tày, Dao, Sán Dìu và Kinh. Đã từ lâu, Thiện Kỵ được huyện Hữu Lũng đánh giá là một địa bàn đi lại khó khăn, bị chia cắt bởi nhiều khe sâu, lòng suối. Có những cái tên nghe mà thấy sửng sốt đến nao lòng như: Dốc Ồ Ồ, đèo Mỏ Ám, Đèo Cáo, Đèo Thạp, Hang Dơi... chính đó là những địa danh muôn thuở như những vật cản lớn mà người dân nơi đây phải gắng vượt qua để vào được trung tâm xã Thiện Kỵ. Nếu lấy trụ sở xã Thiện Kỵ làm trung tâm thì Thiện Kỵ có 3 đường rẽ đi các nơi: Đường đi qua xã Tân Lập, qua Yên Bình ra thị trấn Mẹt, đường đi ra Đèo Cáo để ra thị trấn Phổng rồi ra Mẹt hoặc ra Bố Hạ và còn một đường nhỏ nữa để sang đất Thái Nguyên. Có đường tất sẽ có lợi về giao thoa kinh tế, văn hóa giữa Thiện Kỵ với các vùng, miền trong và ngoài huyện song chính đó cũng đầy rẫy những khó khăn, trắc trở chỉ vì một lý do cố hữu - đó là chất lượng đường sá quá xấu, quá gập ghềnh sỏi đá. Cái khó của Thiện Kỵ không chỉ là con đường mà còn là quần cư của nhiều dân tộc ít người, mặt bằng dân trí chưa đồng đều, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế, thiếu trường học cho trẻ thơ, các thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, các hủ tục lạc hậu chưa được khắc phục triệt để.

         Từ những cái đó, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân chưa được cải thiện mạnh mẽ, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ còn cao (49%) trong tổng số hộ toàn xã, mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7 triệu/1 người/1 năm (năm 2011). Bức tranh kém sinh động này đã khoác lên mình xã Thiện Kỵ một không gian ảm đạm, một nỗi ám ảnh triền miên trong nhiều thập kỷ qua. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đang rất khát khao và mong chờ một luồng gió mới, một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước để thúc đẩy Thiện Kỵ đi lên trên con đường hội nhập mà chính xã Thiện Kỵ đang ở điểm xuất phát rất thấp so với mặt bằng chung của huyện.

         Nhận thức mới từ một chủ trương đúng

         Trong một buổi làm việc với lãnh đạo xã Thiện Kỵ, ông Hứa Bình Vân- Bí thư xã và ông Vy Văn Thảo - Phó Chủ tịch xã vui mừng trao đổi với tôi: Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, xã hội hiện có, xã Thiện Kỵ được chia làm 7 đơn vị hành chính (7 thôn). Đảng bộ xã có 11 chi bộ với 136 đảng viên. Từ khi Đảng, Nhà nước có chủ trương về xây dựng nông thôn mới (NTM), Thiện Kỵ như trời hạn gặp mưa. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM do Bí thư xã làm Trưởng ban, Chủ tịch xã làm Phó ban. Tiếp đến, xã thành lập Ban Quản lý xây dựng NTM do Chủ tịch xã làm trưởng ban. Ở các thôn thành lập Ban Phát triển sản xuất. Có được bộ máy thực hiện chương trình này, xã đã chủ động phối hợp với Văn phòng điều phối của huyện bắt tay ngay vào việc tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới cùng với Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban Phát triển sản xuất. Xã tiến hành rà soát các khu dân cư, khu sản xuất để lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết tiến tới lập đề án xây dựng nông thôn mới của xã trình huyện phê duyệt. Chấp nhận đề án này, UBND huyện đã phê duyệt thể hiện bằng Quyết định số 3495/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2012. Nói đến đây, tôi theo dõi trên khuôn mặt và ánh mắt của ông Hứa Bình Vân và ông Vy Văn Thảo thấy họ ánh lên một niềm tin, một niềm phấn khởi. Hai lãnh đạo xã đều khẳng định: Những việc làm của xã trong việc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là những bước đi ban đầu đáng ghi nhận. Hai lãnh đạo xã nói thêm rằng trước khi chưa có chủ trương xây dựng nông thôn mới của Trung ương, nếu áp theo 19 tiêu chí như hiện nay thì xã chỉ đạt được 3/19 tiêu chí, đó là Chợ, Điện và Quy hoạch chung. Tôi thầm nghĩ, với cơ ngơi của xã Thiện Kỵ như vậy thì xã phải nỗ lực lắm, cố gắng lắm, phải phấn đấu không biết mệt mỏi và phải có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, Thiện Kỵ mới mở mày mở mặt được với các xã khác trong huyện, trong tỉnh về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong tương lai.

         Và những kết quả bước đầu đáng ghi nhận

         Ngay sau khi tiến hành các bước về xây dựng NTM, xã Thiện Kỵ lại được vinh dự đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới thăm vào dịp đầu Xuân năm 2013. Nhân dân phấn khởi lắng nghe những lời thăm hỏi ân cần và lời động viên, chỉ bảo của Chủ tịch rằng: “Chính quyền xã phải luôn chủ động tự nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, triển khai thực hiện việc xây dựng NTM. Phải rà soát kỹ thế mạnh cũng như hạn chế của xã, tìm ra giải pháp thích hợp, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế...”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn nhấn mạnh thêm: “Xây dựng NTM phải đi đôi với xây dựng đời sống văn hóa mới, kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan..Lời dạy bảo đó của Chủ tịch Quốc hội đã sưởi ấm lòng dân xã Thiện Kỵ, khiến cho họ thêm tin yêu vào Đảng, họ hào hứng, phấn chấn, triển khai nhanh chóng việc xây dựng NTM theo kế hoạch mà xã đã đặt ra. Đó là việc cân đối lại cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng cường mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí nhỏ cho hàng ngàn lượt hộ gia đình. Cả xã từ chỗ quảng canh nay tăng cường sang chuyên canh và thâm canh, tăng vụ. Kết hợp giữa sản xuất truyền thống với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Sự cố gắng của xã Thiện Kỵ đã đưa mức thu nhập bình quân đầu người từ 7 triệu/người/năm (năm 2011) lên 13,5 triệu/người/năm (năm 2015). Rừng trồng được đầu tư theo các chương trình, dự án, bình quân 90 ha/năm, nâng độ che phủ của rừng từ 54% (năm 2011) lên 65% (năm 2015). Trong quá trình làm việc và tìm hiểu hoạt động của xã, tôi được biết thêm: Với thời gian 5 năm (2011 - 2015), xã Thiện Kỵ được đầu tư hơn 33 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, của huyện và của cả người dân nơi đây vào các việc sửa chữa đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn. Đến nay, các thôn đã có đường ô tô đi đến trung tâm xã, 98% số hộ đã được sử dụng điện, 90% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đạt từ 95% trở lên, gần 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế, hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng cán bộ ngày càng được đề cao, số cán bộ đạt chuẩn chiếm tới 94,7%. Một điều đáng ghi nhận ở Thiện Kỵ là toàn xã đã cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Trên cánh đồng Thiện Kỵ hôm nay, máy gặt đập liên hợp đã về với bà con lối xóm mỗi khi vào vụ thu hoạch. Thêm vào đó, hầu hết các hộ nông dân đều có máy kéo tay, máy cắt cỏ, máy bơm nước, máy xát gạo và nhiều loại máy nông nghiệp khác để phục vụ kinh tế gia đình, bộ mặt nông thôn Thiện Kỵ đang đổi thay từng ngày, từng giờ so với nhiều năm trước đây. Tôi hỏi lãnh đạo xã Thiện Kỵ: Vậy thì đến thời điểm này xã đã đạt mấy tiêu chí về xây dựng NTM? Hai lãnh đạo xã cùng thống nhất trả lời rằng: Hiện nay xã đã đạt 5 tiêu chí (thêm tiêu chí Y tế và tiêu chí Thủy lợi, đang phấn đấu thêm 2 tiêu chí nữa là Hệ thống chính trị và An ninh trật tự trong năm 2017).

         Điều còn trăn trở và những đề nghị chính đáng

         Thông qua buổi làm việc với lãnh đạo xã cùng với việc quan sát thực địa và gặp gỡ các trưởng thôn, tôi thấu hiểu và đồng tình với lãnh đạo xã Thiện Kỵ rằng: Điều cam go nhất, gay cấn nhất của xã hiện nay là rất cần sự đầu tư của nhà nước để xây dựng hoàn chỉnh đường trục chính qua xã cũng như bê tông hóa các đường liên thôn để dân đi lại được 4 mùa (cả xã có 21 km đường liên thôn nhưng mới bê tông hóa được gần 4 km; đường trục chính của xã dài 11 km nhưng mới có hơn 1km đi lại được thuận lợi). Thứ đến là cần nhà nước đầu tư xây dựng Nhà văn hóa các thôn cho dân có nơi sinh hoạt hội họp, xây dựng trường mầm non cho trẻ thơ được đến trường theo độ tuổi. Và nữa, cần có biện pháp bàn bạc với Lâm trường giải quyết việc giao đất giao rừng cho dân có đất lâm nghiệp để sản xuất. Đó là những mong ước, những tiếng gọi thống thiết từ vùng sâu Thiện Kỵ heo hút lên các cấp chính quyền để người dân nơi đây có thêm những điều kiện thiết yếu xây dựng NTM một cách nhanh và bền vững. Giờ đây, xã Thiện Kỵ đang đề ra kế hoạch phấn đấu trong 5 năm tới, với hệ thống chính trị được tăng cường, cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng mức, ý thức người dân được nâng lên, xã sẽ đạt từ 7 đến 10 tiêu chí về xây dựng NTM. Được như vậy cũng là khá so với các xã khác thuộc vùng 3 của huyện Hữu Lũng./.

Phóng sự - điều tra

Lê Quang Bình

Giải Ba