Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 02:11

Mùa dẻ cười

         Đã có mấy ai trong chúng ta được đứng ở dưới rừng cây hạt dẻ vào mùa tháng bảy âm này, ngửa mặt lên tán cây dẻ xanh mướt nhìn những quả dẻ đung đưa dưới ngọn gió rung. Những quả dẻ từ xanh chuyển sang màu hơi vàng. Thêm mấy ngày nữa, quả vỏ nứt nanh thành bốn mảnh vỏ, thường gọi là hạt dẻ cười. Gió thổi, quả dẻ tự rụng xuống, hoặc người thu hái dùng cành cây nhỏ đập nhẹ là những quả chín trên cành rơi xuống đất.

         Bằng một động tác nhẹ nhàng, người công nhân dùng đầu kéo, tách vỏ là đã có những hạt dẻ màu dễ ưa quá. Hạt dẻ được phân làm ba loại to, nhỏ, nhỏ vừa. Cứ đến tháng bảy âm, là vụ thu hoạch hạt dẻ mang lại niềm sung sướng của chủ trang trại và những người công nhân thu hái. Người ta thú vị nói với nhau “Đã đến mùa dẻ cười rồi!”. Song để có những hạt dẻ này, người chủ của nó phải mất bao nhiêu năm, bao mồ hôi đổ xuống ?

         Chuyện bắt đầu từ đây...

         Người phụ nữ bền bỉ tạo ra chiếc áo choàng xanh đầy quả ngọt

         Thôn Quảng Trung II, xã Quảng Lạc cách thành phố Lạng Sơn chừng 5 - 6 km, về phía Nam. Từ quốc lộ rẽ phải đi theo đường dân sinh ven đồi chừng sáu trăm mét, là đến nhà chị Hoàng Thị Thủy. Nhà chị làm dựa lưng vào khu đồi bát úp, rộng hơn hai ha. Tiếp nối nhà chị là một nhà cấp bốn, dành cho một hộ ở, giúp việc cho chị và trông coi thành quả của chị.

         Chị tiếp tôi, bạn tôi trong căn nhà thoáng mát, bố trí hợp lý, có sân rộng đang phơi ngô, bởi đây là thời gian đang thu hoạch hoa màu. Nhìn chị chủ nhà còn trẻ, trắng trẻo, xinh xắn khó có thể ngờ rằng chị là chủ một trang trại rộng lớn mấy chục ha.

         Chị nói khiêm nhường:

         - Trang trại này do mẹ chồng cháu là bà Chu Thúy Sung, công tác ở cục thống kê tỉnh nhà, nghỉ hưu lâu rồi. Khi bà gây dựng trang trại này, chồng bà ốm yếu, không giúp gì cho bà trong việc lao động, quản lý đồi rừng cả, con trai bà còn đi học chuyên nghiệp chưa ra trường. Sau này, anh ấy là kĩ sư điện tử, cháu cũng học xong trường cao đẳng nông lâm Thái Nguyên, cháu và anh ấy đã thành vợ chồng từ năm 2003.

         Chị Thủy kể: Khi về làm dâu nhà bà Sung, ý nguyện của chị được nhân lên nhờ sự động viên của mẹ chồng. Hai mẹ con, mẹ chồng nàng dâu, chụm đầu nhiều giờ, nhiều buổi, có hôm về khuya rồi hai mẹ con còn rì rầm bàn bạc. Lúc ấy, mẹ Sung đã nhận khoán hơn sáu mươi ha đồi trọc hoang hóa (do trước đây bị chặt cây phá rừng, mà nhà nước chưa có biện pháp quản lý rừng chặt chẽ, do hậu quả của chiến tranh biên giới).

         Bây giờ trồng cây gì? Giống lấy ở đâu? Tiền mua giống ở nguồn nào?

         Lương hưu bà Sung rất thấp. Sinh hoạt gia đình trông vào đồng lương ấy, cộng thêm thu nhập của cậu con trai còn ít ỏi từ hiệu sửa chữa đồ điện tử. Kể ra cũng nhọc nhằn làm sao!

         Cũng lúc này, nhà nước có chính sách khoán, rồi giao rừng đất cho từng hộ. Chính sách cụ thể chỉ đạo cho vay ngân hàng nông nghiệp, cho vay vốn theo tỉ lệ rất ít ỏi, tỉ lệ thuận theo số diện tích đồi núi quản lý. Để mua cây giống, số tiền ngân hàng cho vay cũng ngặt nghèo, không đủ để mua cây giống gia đình kê khai. Sau này - nhà nước lại cho vay bằng cây con giống qui thành tiền. Số cây ấy, không đủ giống, chủng loại cây mà hai mẹ con bà xin vay. Phải có tiền mặt, thế là hai mẹ con phải vay qua họ hàng nội, ngoại.

         Trồng đủ sáu mươi ha thông để sau này lấy nhựa, còn mấy ha nữa hai mẹ con trồng cây ăn quả: ổi, mận tam hoa, vải, nhãn, trám.. .và cả cây dẻ. Các giống cây này, hai mẹ con mua ở công ty cây xanh Đông Bắc. Cũng phải vừa học vừa mầy mò, vừa làm, thế mà sau 2, 3 năm các cây ở đồi cây tổng hợp, nhiều cây đã đơm bông, kết trái.

         Chị Thủy mời chúng tôi uống nước, chỉ tay qua cửa sổ chị nói:

         - Kia là những đồi thông đến bây giờ đã cho nhựa. Còn vườn đồi tổng hợp kia, cũng đã cho gia đình chị thu nhập, tuy là chưa cao...

         Theo hướng tay chị, nhìn qua khung cửa sổ, chúng tôi thấy ngay dãy đồi dài gối nhau, xanh rì, đẹp làm sao. Thấy chúng tôi dõi nhìn, chị cười, nói với chúng tôi.

         - Bây giờ nơi ấy, chị nói về những quả đồi đã được xanh hóa, đẹp như chiếc áo choàng xanh choàng lên những quả đồi trơ trọi, lồi lõm; mà trước đó mấy năm, người ta không thể tưởng tượng nổi, một vùng đồi nối tiếp cằn cỗi trơ trọi... Mồ hôi, tiền của, vốn liếng, trí tuệ, gian khổ nhiều năm đổ vào đây, đồi đã được mặc áo mới, màu xanh ngát. Các giống cây ăn quả đã ra hoa, kết trái; Thế mà mẹ chồng cháu thì lại đi xa mãi mãi...

         Thương mẹ chồng nhiều, chị lại lao vào công việc để những đồi cây ấy cho ra sản phẩm cao hơn. Hàng ngày, chị dậy thật sớm đảo qua khu vực rừng nào là có kế hoạch từ trước. Cây vải năm trước ra sai thế, mà năm sau năng suất kém đi? Có phải do phân bón không đủ thành phần vi lượng hay vì lý do gì?. Quả trám vụ này bé hơn năm trước, rồi hay rụng vì sao (nếu không kể là vì gió to, bão nổi) để tìm ra căn cứ xử lý?. Hoặc có cây dẻ quả ít, lá lốm đốm chấm vàng?. Qua thực tế kinh nghiệm, rồi kiến thức sách vở, trao đổi với các chuyên gia đã dạy cho chị cách xử lý những trường hợp ấy.

         Về đồi thông, khoảng năm 2008 gia đình chị trồng thêm 4.500 cây con nữa, qua kinh nghiệm, chị đã cho trồng thưa hơn, sau vài năm, thân cây to hơn, cho nhiều nhựa hơn vì chúng có đủ ánh sáng để quang hợp. Còn khu đồi bát úp, nhà chị dựa lưng vào, diện tích khoảng 2,2 ha chị trồng kín 2.000 cây dẻ, chúng đã ra quả mấy năm nay.

         Đến nhà chị Thủy, thì mùa nào thức ấy, về hoa quả. Nhưng thích nhất là mùa thu hoạch hạt dẻ. Cây dẻ lá xanh tươi màu ngọc. Quả dẻ vỏ ngoài đã vàng nhạt, bắt đầu nứt nanh ở đầu kia, tách thành bốn khía vỏ. Chúng tự rụng xuống hoặc rung cành mạnh, quả cũng rơi. Người công nhân đeo găng chỉ việc nhặt quả, việc lấy hạt không khó, chỉ lấy mũi kéo tách mảnh vỏ, là có nhân quả. Có quả có ba nhân, có quả có hai nhân hoặc có một nhân. Mùa thu hoạch, trang trại có tới hơn mười công nhân với mức lương một ngày lao động thường là 150.000 đồng - 200.000 đồng. Hạt dẻ, tùy vào chất lượng, có giá từ bốn mươi đến một trăm nghìn đồng một kilôgam, một vụ cũng cho gia đình chị Thủy thu nhập khoảng 170 triệu đồng. Ngoài ra, thu từ nhựa thông một năm đạt 130 triệu đồng, thu từ các loại cây ăn quả đạt 70 triệu đồng, đó là chưa kể tiền thu từ mật ong, mỗi năm cũng được trên 10 triệu đồng...

         Nhìn vào mô hình kinh tế thu nhập từ cây thông, cây ăn quả, xã đề nghị chị Thủy báo cáo điển hình cho bà con học tập làm theo. Ông bí thư đảng ủy xã nói với chị: “Trong những cây trồng kia, quý nhất là cây dẻ. Đi mua giống thì đắt. Cháu xem có thể, bằng cách nào đó giúp bà con làng xóm xã có giống cây trồng không?”

         Thế là với kĩ thuật nông lâm đã học ở trường, học tập kinh nghiệm sách vở, kinh nghiệm thực tế, chị Thủy đã thí điểm nhân giống cây hạt dẻ bằng cách dâm cành, với thời vụ thích hợp (vụ đông xuân) chị đã thành công. Cây đã có chồi, lá và thành cây giống. Cứ thế, chị có một khu đất làm tơi xốp chuyên để nhân giống cây để thay dần những cây ăn quả năng suất thấp. Bà con trong làng đến mua, chị bán mềm hơn giá thị trường. Thế là, chỉ sau vài năm, chị Thủy lại có thêm nguồn thu nhập từ cây giống. Năm 2015, thu nhập từ cây giống được khoảng 100 triệu đồng, chủ yếu là cây dẻ con. Nhiều bà con tỉnh bạn như ở Điện Biên, Lai Châu cũng tìm về với chị, học hỏi kinh nghiệm trồng cây của chị, và mua giống cây trồng của chị. Ở xã Quảng Lạc, chị được lựa chọn vào trong Ban Thường vụ Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã; ở cương vị này, chị mang kiến thức trồng trọt, xanh hóa đồi trọc, và trồng cây mũi nhọn - cây hạt dẻ - cho mọi người học tập, làm theo.

         Một người có tấm lòng từ thiện, một tấm gương xây dựng gia đình văn hóa mới

         Gia đình chị Thủy cưu mang giúp một hộ gia đình có 9 khẩu, cách đây gần mười năm đã đi vào Tây Nguyên làm kinh tế song họ lại trở ra, về thôn chị, trong khi trong tay không còn gì. Chị giúp họ cả nhà ở, giúp họ đất cát để lao động sản xuất tự túc, và làm công nhân cho chị để lấy tiền công, đảm bảo đời sống hàng ngày. Anh chị nhường cho họ ngôi nhà cũ, giáp ngôi nhà mới mà anh chị đang ở. Họ đã ổn định, con cái được học hành, khôn lớn rồi xin được việc làm ổn định. Khi hội chữ thập đỏ xã quyên góp, chị có lúc ủng hộ đến 2 tạ gạo và một số giống cây cho đồng bào biên giới Lạng Sơn. Đại hội Hội Nông dân xã, chị Hoàng Thị Thủy được báo cáo kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, việc xanh hóa đồi trọc và nguồn lợi thu được từ cây, phổ biến kinh nghiệm trồng cây ăn quả, đặc biệt cây mũi nhọn có năng suất cao: cây hạt dẻ... Những việc làm đi đầu trong việc tấn công xóa đói giảm nghèo, ủng hộ quỹ từ thiện đã được cấp trên khen ngợi. Năm 2008 gia đình chị được nhận Bằng khen của tỉnh về việc sản xuất kinh doanh giỏi, năm 2014, gia đình chị Thủy đạt danh hiệu hộ nông dân, sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố. Nhiều lần chị Thủy được các cấp chính quyền địa phương mời đi báo cáo điển hình về lao động sản xuất giỏi.

         Tài năng của chị Thủy không dừng ở đây. Chị Thủy còn được biết đến như là một người thầy thuốc châm cứu theo phương pháp biểu bì mô. Bà mẹ chồng đã truyền cho chị từ khi chị mới làm dâu ở nhà này. Nhiều khách đến với chị, ở các phường của thành phố như phường Tam Thanh, xã Hoàng Đồng. đến để chữa trị. Tiếng lan xa đến các huyện khác: Lộc Bình, Cao Lộc, Tân Thanh đến có người đến chữa bệnh. Các bệnh đau vai, đau đầu, mất ngủ. thuốc nam là các lá cây chị sưu tầm với giá rẻ phục vụ. Người cùng xã, nhiều khi chị còn miễn phí, nếu thấy gia cảnh khó khăn. Chị đã bàn với trạm y tế xã, 6 tháng khám bệnh một lần cho người cao tuổi của xã, kinh phí do chị lo.

         Gia đình chị Thủy là mẫu gia đình điển hình ở nông thôn, vùng ven đô thị. Hai con chị đều ngoan và học tốt. Sự nghiệp phủ xanh đồi trọc, là tấm gương sáng cho nhiều người trong xã, trong tỉnh noi theo. Phủ xanh đất trống, đồi trọc, lại có hiệu quả kinh tế cao, ngay trên các vùng đồi ven đô, không phải chỉ là giấc mơ, mà là thực tiễn. Do bàn tay, khối óc của chị, gia đình chị, vượt qua trùng trùng gian khó, để có được như ngày hôm nay. Do có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, cách sống giản dị, chăm sóc con ngoan, giỏi, quan hệ láng giềng tốt, các cấp chính quyền đã có nhiều giấy khen, bằng khen liên tục cho chị Hoàng Thị Thủy và gia đình.

         Tạm biệt chị. Chúng tôi cũng vui, vui lắm. Tôi nói với anh bạn cùng đi: “Giá mà trong thôn bản miền núi chúng ta có được nhiều gia đình, nhiều người như gia đình chị, như chị Thủy, thì chủ trương lớn của Đảng, nhà nước ta về xây dựng nông thôn mới nhất định sẽ “mát mái xuôi chèo”...

Ký của: Nguyễn Văn Đông

Giải Nhất