Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 01:55

Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để xây dựng nông thôn mới

         Mục tiêu hàng đầu của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Để đạt mục tiêu đó, thì người dân nông thôn phải có hình thức sản xuất hợp lý, tạo được việc làm và nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chính sách khuyến khích nông dân có sự liên kết trong sản xuất, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. PV Lan Anh ghi nhận!

         Gia đình chị Ngô Thị Lụa, xã viên HTX nông nghiệp Rọ Phải ở xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn sống bằng sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, gia đình chị sản xuất theo kiểu tự phát, thấy các hộ xung quanh trồng cây gì thì cũng trồng theo. Chính vì vậy, việc trồng trọt gặp nhiều rủi ro do thiếu kỹ thuật, đầu ra không ổn định. Cách đây 4 năm, gia đình chị đã tham gia vào HTX rau an toàn 12 xã viên, nhờ đó việc trồng trọt của gia đình đã có thay đổi tích cực. Đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp ổn định hơn. Các xã viên như chị không chỉ được quan tâm tập huấn kỹ thuật mà còn có thể hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chị Lụa cho biết:

         Từ khi vào Hợp tác xã tôi thấy gia đình tôi phát triển, trồng được nhiều rau hơn và khi bán ra thị trường có tiếng rồi thì bán được nhiều hơn. Thu nhập thì tăng rõ rệt hơn trước

         Không chỉ riêng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp 12 xã viên ở xã Mai Pha mà ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã khẳng định những ưu thế mà các hộ sản xuất cá thể không có được. Điển hình như tại Hợp tác xã Hợp Thịnh ở xã Hợp Thành - một trong những hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trong hệ thống HTX của tỉnh. Với lĩnh vực hoạt động chính là nông lâm nghiệp, trải qua 10 năm hoạt động, Hợp tác xã hiện có 20 thành viên, mỗi năm HTX đã thu lãi được khoảng 1,8 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Thành viên của HTX đều là những người nông dân chưa được đào tạo nghề. Thế nhưng, khi tham gia vào HTX, họ đã được đào tạo tại chỗ về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất. Vì vậy, ngoài việc được tạo việc làm, các thành viên còn được tiếp thu khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế.

         Ông Giang Văn Lùng, Phó Giám đốc HTX Hợp Thịnh - xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cho biết:

         Hợp tác xã này thì có lợi ích nhất là cho nông dân có công ăn việc làm tại địa phương - được 20 công nhân có công ăn việc làm đều đều, thu nhập cũng tốt

Một xu hướng hợp tác rất đáng ghi nhận khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đó là sự liên kết giữa các Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như Liên hiệp HTX sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn Lạng Sơn. Liên hiệp HTX gồm 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Lạng Sơn là: HTX Sản xuất và thương mại Hoàng Vũ; HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương; HTX Nông nghiệp Rọ Phải; HTX Dịch vụ Nà Chuông. Nhờ sự liên kết mà các HTX đã phát huy được lợi thế riêng như: HTX Sản xuất và thương mại Hoàng Vũ ít diện tích đất canh tác nhưng lại có dây truyền, kinh nghiệm trong sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm; còn HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông không hoạt động trong lĩnh vực chế biến song lại có diện tích đất để trồng rau, chăn nuôi lớn...Sự liên kết này đã giúp Liên hiệp HTX tạo ra chuỗi sản xuất giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, sản xuất ra sản phẩm an toàn. Tuy mới thành lập hơn 1 năm, nhưng Liên hiệp HTX đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ra thị trường Hà Nội. Đây là điều mà các HTX riêng lẻ trước đây chưa làm được. Bà Hoàng Thị Vang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn Lạng Sơn cho biết:

         Mục đích của Liên hiệp Hợp tác xã là tạo điều kiện cho các thành viên Hợp tác xã hoạt động được tốt hơn, từ đó tiêu thụ sản phẩm cho xã viên tốt hơn

         Lạng Sơn là một tỉnh miền núi với phần lớn dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất của nông dân hầu hết vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực đầu tư nên sản phẩm làm ra không tập trung, thiếu tính đồng nhất, do vậy khó hình thành vùng sản xuất hàng hóa để thu hút đối tác đến bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy, đứng trước yêu cầu cạnh tranh ngày càng khắt khe của thị trường, đòi hỏi người nông dân cần có sự liên kết với nhau. Trước thực tế đó, thời gian qua tỉnh Lạng Sơn cũng đã có sự quan tâm nhằm hỗ trợ kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định. Ông Vi Kim Truyền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết:

         Liên minh HTX tập trung tuyên truyền việc thành lập mới các HTX, cũng như việc củng cố các HTX trên địa bàn của tỉnh. Hàng năm là có đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, tư vấn về xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Năm 2015 thì tỉnh cũng đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh với số vốn điều lệ hơn 3 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đã giải ngân cho các HTX trên địa bàn

         Sự hỗ trợ đó cùng với nỗ lực của chính người nông dân, những năm qua, hoạt động kinh tế của các tổ hợp tác, hợp tác xã tại Lạng Sơn đã có bước phát triển mới cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 180 HTX, trong đó có 45 HTX nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản đang hoạt động hiệu quả; hơn 1.100 tổ hợp tác, trong đó có 5 tổ hợp tác chăn nuôi; 63 tổ hợp tác trồng trọt. Xu hướng liên kết trong sản xuất không chỉ giúp người nông dân tỉnh Lạng Sơn thích ứng tốt hơn với yêu cầu thị trường, mà còn làm lan tỏa hình thức sản xuất nông nghiệp kiểu mới, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất để người nông dân có thể tham gia xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Tác giả: Lan Anh

Đơn vị: Đài PT-TH Lạng Sơn

Giải Nhất