Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 01:16

Nông dân Lạng Sơn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

         Lạng Sơn là tỉnh miền núi, dân số trên 75 vạn người, với trên 80% dân số sản xuất nông, lâm nghiệp ở khu vực nông thôn; giao thông tương đối thuận lợi, kinh tế thương mại - du lịch - dịch vụ phát triển, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của nhân dân.

         Trong những năm qua, thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đã cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch công tác hằng năm để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở thực hiện Quy định số 18 ngày 12/01/2011; Quy định số 944, ngày 04/9/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tiêu chuẩn hộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quy định số 02 ngày 06/4/2011, Quy định số 02 ngày 22/10/2014 về tiêu chuẩn hộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn phù hợp với tình hình của địa phương và gắn với “phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới”. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể về số lượng hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp cho Hội Nông dân các huyện, thành phố; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các hoạt động của phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo phong trào một cách sát thực, hiệu quả, đồng thời tập trung lãnh đạo chỉ đạo các cấp Hội bằng các văn bản đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua.

         Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” có sức lan tỏa đến các cấp hội, hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 61 ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020"; Quyết định số 673 ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ “về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 -2020”; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân các cấp..., tập trung tuyên truyền lồng ghép triển khai các phong trào thi đua của Hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú qua các hội nghị đầu bờ, sinh hoạt chi, tổ Hội, các phương tiện thông tin đại chúng, các mô hình điển hình. Đồng thời tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn, nhân rộng mô hình “nông dân dạy nông dân”, dạy nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và mở rộng quy mô dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phong trào phát triển. Từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn được 353 lớp cho 15.609 lượt người ở khu vực nông thôn tham gia. Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp mở 07 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho trên 200 hội viên nông dân; chuyển giao khoa học kỹ thuật được chú trọng đã tổ chức tập huấn được 7.069 lớp với 361.100 lượt hộ hội viên, nông dân tham dự.

         NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA PHONG TRÀO

         Một trong những kết quả nổi bật của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” đó là việc: Phong trào đã thúc đẩy quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh... từng bước thành lập các loại hình hợp tác sản xuất, trang trại, gia trại. Trong giai đoạn 2011 - 2016 đã góp phần hình thành 85 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 328 Tổ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã làm sáng lập viên thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn có vai trò đi đầu của các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

         Trong những năm qua, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm cho hội viên, nông dân và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp; đã bước đầu nâng cao hiểu biết, thao tác sử dụng an toàn, sửa chữa, bảo dưỡng máy cơ khí nông nghiệp cho nông dân; cung cấp kịp thời các thông tin khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thông tin thị trường, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ sử dụng công cụ sản xuất đến việc tổ chức sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Thông qua phong trào, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng và tạo ra giá trị sản phẩm ngày càng cao.

         Hội Nông dân các cấp đã tích cực chỉ đạo nông dân trên địa bàn thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Qua đó, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất của người dân, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa; tạo động lực thúc đẩy các hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

         Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ trong kinh tế nông thôn; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, nguồn nước của tỉnh, có nhiều mô hình đã được nhân rộng trong sản xuất. Mang lại hiệu quả sản xuất cho nông dân, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung qui mô ngày càng mở rộng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

         Trong giai đoạn 2011 - 2016 đã có nhiều tấm gương nông dân vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và các ngành nghề khác có ảnh hưởng tích cực, lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

         Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" cũng góp phần xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, bảo vệ an ninh quốc gia.

         Thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 12/8/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2011 - 2020. Các cấp, các ngành, tổ chức Hội và cán bộ, hội viên, nông dân đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bằng những việc làm thiết thực như: đóng góp trên 32 tỷ 400 triệu đồng, trên 807 nghìn ngày công và hiến được trên 121 nghìn m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa; làm mới và sửa chữa 495 km đường giao thông nông thôn, 390 km kênh mương nội đồng. Qua đó, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện đáng kể, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Với tinh thần “Tương thân tương ái” các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đã tạo nhiều việc làm tại chỗ cho con em nông dân, giúp đỡ các hộ nghèo, các gia đình chính sách về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả trong giai đoạn 2011 - 2016 đã có trên 7.760 hộ hội viên nông dân thoát nghèo, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

         Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp còn làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia phong trào “Toàn dân Bảo vệ an ninh tổ quốc”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Tham gia xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu; thực hiện Luật Dân quân tự vệ, động viên con em nông dân trong độ tuổi, đủ tiêu chuẩn lên đường làm nghĩa vụ quân sự đạt 100% chỉ tiêu giao; tham gia thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

         Nâng cao năng lực tập hợp, vận động, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên, nông dân gắn với hướng dẫn nông dân thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn được các cấp Hội Nông dân đề ra là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và thực hiện có hiệu quả. Từ đó, tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được cấp ủy, chính quyền giao. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn đều có tổ chức Hội, không có thôn bản “trắng” hội viên.

         Trong giai đoạn 2011 - 2016, Hội đã kết nạp được 16.243 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 110.439 hội viên, chiếm trên 89 % so với hộ nông nghiệp. Công tác xây dựng tổ chức Hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện khá tốt, chất lượng hội viên ngày càng được nâng lên, sinh hoạt Hội ngày càng chặt chẽ đi vào nề nếp.

         Nhiều hội viên tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia góp ý kiến xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhất là lĩnh vực liên quan nhất là đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

         Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đề ra những giải pháp tích cực nhằm giúp phong trào mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

         Có thể khẳng định, trong 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Phong trào tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, quy mô sản xuất của các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng mở rộng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có giá trị kinh tế. Tỷ lệ hộ nông dân đăng ký thực hiện và đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước. Đời sống, vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên, hàng ngàn hộ hội viên nông dân thoát nghèo và làm giàu. Phong trào đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn, có sức lan tỏa trong toàn tỉnh; giữ vững an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa; xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới./.

Phương Lâm - Hoàng Hương - Diệu Liên

Phòng Chuyên đề

Giải Nhất