Thứ sáu, 23 Tháng 8 2019 01:03

Ông Thức làm kinh tế giỏi

         Năng động, nhạy bén thị trường, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp ông Lương Hoàng Thức (sinh năm 1972) thôn Nam Tiến, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia thu “quả ngọt” trên mảnh đất quê hương. Ông là tấm gương làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân 600 triệu đồng/năm.

         Năm 1986, sau khi học hết lớp 7, gia đình khó khăn, cậu bé Thức ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc ruộng vườn, chăn nuôi nhỏ lẻ và làm máy xát. Ba năm sau, được bạn bè cùng trang lứa hướng dẫn buôn bán, anh đi thu mua trâu, bò của bà con trong xã, trong huyện để mang về Hà Nội, Bắc Ninh… bán.

         Sau khi lập gia đình (năm 1991), để trang trải cuộc sống, vợ chồng ông Thức khi đó trồng cấy lúa, ngô, đỗ, sắn. Đồng thời, tranh thủ lúc nông nhàn, ông lại đi buôn bán trâu, bò để kiếm thêm thu nhập.

Ong Thuc lam kinh te gioi

Ông Lương Hoàng Thức chăm sóc đàn trâu, bò

         Năm 2007, nhận thấy nhu cầu mua bán, sửa chữa xe máy của bà con trong xã cao, ông Thức bàn với vợ vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 100 triệu đồng để đầu tư mở cửa hàng bán và sửa chữa xe máy. Từ đó, giúp bà con trong xã không phải lên tận huyện mỗi lần xe trục trặc hay mua xe mới.

         Mặc dù, có cửa hàng kinh doanh ổn định nhưng với suy nghĩ “tấc đất là tấc vàng”, có vốn,  năm 2012, ông Thức đầu tư trồng 6 ha keo và bạch đàn trên diện tích được gia đình chia. Đến năm 2015, qua tham khảo thị trường cùng với kiến thức và kinh nghiệm đã có trước đây, ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng.

         Ông Thức cho biết: Để chăn nuôi có hiệu quả, tôi đi tham quan, học hỏi thực tế các trang trại chăn nuôi lớn ở Phú Thọ, Hà Nội… Cùng với đó, tôi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ở xã và học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng để có thêm kiến thức áp dụng vào mô hình của mình. Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu, tôi đã xác định phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Vì chăn nuôi hữu cơ không chỉ đảm bảo được nguồn thực phẩm an toàn mà còn tiết kiệm tối đa chi phí thức ăn cho vật nuôi, không lo lắng khi giá cả ngoài thị trường biến động…

         “Hiện nay, tôi mới mở rộng quy mô chuồng trại, nâng tổng số đàn trâu, bò của gia đình lên 110 con. Trong đó có 50 con bò cái sinh sản. Để có nguồn thức ăn ổn định, tôi duy trì trồng 2 ha cỏ voi; đặt mua ngô của bà con quanh vùng để ủ chua, làm thức ăn dự trữ cho đàn bò; đặt mua bã sữa chua fami ở Bắc Ninh… đảm bảo nguồn thức ăn hợp vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng” – ông Thức cho biết thêm.

         Nhờ được đầu tư về chuồng trại; tiêm phòng, tẩy giun sán… thực hiện đầy đủ theo định kỳ kết hợp với chế độ ăn hợp lý, khoa học nên đàn trâu, bò của gia đình ông Thức phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán 3 – 4 lứa, trừ chi phí, thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi.

         Với mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp và kinh doanh dịch vụ hiệu quả, hiện nay, ông Thức đã và đang tạo việc làm cho 7 – 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

         Ông Hoàng Công Dụng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái, cho biết: Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình hội viên Lương Hoàng Thức hiện là mô hình kinh tế tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao của xã. Đặc biệt, ông Thức không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế mà còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên khác về kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng rừng. Đồng thời, tiên phong trong các hoạt động như: đóng góp làm đường giao thông, các công trình công cộng… Năm 2018, gia đình ông Thức vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, là tấm gương để các hội viên khác học tập.

Nguồn: baolangson.vn