Thứ tư, 21 Tháng 8 2019 00:49

Hòa Bình: Triển vọng từ mô hình nuôi ong lấy mật

         Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Hòa Bình, huyện Văn Quan đã áp dụng mô hình nuôi ong mật bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế. Qua đó, tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của xã.

         Đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình ông Hoàng Văn Đạo, thôn Còn Hẩu – một trong những hộ có thâm niên nuôi ong trên địa bàn xã; ông Đạo chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu nuôi ong từ khoảng 20 năm trước nhưng chỉ nuôi 1 – 2 đàn để phục vụ gia đình. Cứ mỗi lần thu hoạch mật, nhiều người lại đến hỏi mua nên tôi suy nghĩ đến việc mở rộng đàn để bán mật ong. Đến nay, gia đình tôi có gần 10 đàn, trung bình mỗi năm thu được 30 lít mật, thu nhập trên 10 triệu đồng. Trước đây, kinh tế gia đình trông vào mấy sào ruộng nên chỉ đủ ăn, từ khi nuôi ong lấy mật, gia đình tôi đã có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, thời gian tới, tôi dự kiến sẽ nhân thêm đàn, hướng đến làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật.”

Hoa Binh TV tu MH nuoi ong lay mat

Người dân xã Hòa Bình kiểm tra chất lượng đàn ong

         Ông Hoàng Văn Hanh, trưởng thôn Còn Hẩu cho biết: Ban đầu ở thôn chỉ có khoảng 2 – 3 gia đình nuôi ong lấy mật. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, các hộ trong thôn đã chủ động học tập cách nuôi ong. Đến nay, toàn thôn có 26 hộ nuôi ong lấy mật, bước đầu đem lại giá trị kinh tế, giúp các hộ có thu nhập ổn định.

         Không chỉ thôn Còn Hẩu, khoảng 5 năm trở lại đây phong trào nuôi ong bắt đầu phát triển mạnh tại xã. Theo thống kê, hiện nay, toàn xã có trên 60 hộ nuôi ong với khoảng 250 đàn, tập trung chủ yếu ở các thôn: Trung Thượng, Nà Văng, Còn Hẩu, hộ nuôi ít thì có từ 3 – 4 đàn, hộ nuôi nhiều khoảng 30 đàn.

         Nghề nuôi ong không cần nhiều vốn đầu tư, không tốn nhân lực, đem lại thu nhập ổn định. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Theo các hộ nuôi ong ở xã, điều quan trọng nhất khi nuôi là chọn ong chúa, nếu ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng mật cao.

         Bên cạnh những kinh nghiệm tích lũy được, người nuôi ong ở xã đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên đàn ong phát triển tốt. Đặc biệt, xã có diện tích rừng tự nhiên (trong đó có cây hoa ngũ gia bì) và rừng trồng (keo) lớn, người dân chủ yếu để ong lấy mật tự nhiên. Bình quân một đàn ong cho thu hoạch từ 4 – 5 lít mật/năm, người dân trong xã thường bán với giá 350 – 400 nghìn đồng/lít mật, nhờ chất lượng mật ngon, khách hàng tìm đến tận nhà mua nên bà con không lo về đầu ra, nhiều khi còn không đủ bán.

         Xác định nuôi ong lấy mật là hướng đi giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo, cuối năm 2018, từ nguồn vốn chương trình 30a (số tiền 250 triệu đồng), UBND xã đã hỗ trợ 44 hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật với số lượng 153 đàn ong. Đến nay, đàn ong phát triển tốt, các gia đình tham gia mô hình đã nhân đàn, một số hộ đã bắt đầu được thu hoạch mật.

         Cùng với đó, xã đã thành lập được hợp tác xã Bình An (về nuôi ong lấy mật) với 44 hộ thành viên thực hiện mô hình. Theo đó, hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm mật ong An Bình, các thành viên trong hợp tác xã hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi ong, hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị, liên kết sản phẩm mật ong xã Hòa Bình thành hàng hóa để tiêu thụ.

         Ông Hoàng Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhận thấy nghề nuôi ong phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở đây, xã đã khuyến khích bà con nhân rộng đàn kết hợp với trồng rừng để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Hằng năm, xã cũng phối hợp tổ chức từ 1 – 2 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong để người dân áp dụng vào thực tế. Rủi ro thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, do vậy nuôi ong đang là một trong những hướng phát triển kinh tế triển vọng của xã. Việc phát triển và nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật đã và đang đóng góp đáng kể vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân tại xã.

Nguồn: baolangson.vn