Thứ năm, 13 Tháng 6 2019 13:54

Cựu chiến binh năng động phát triển kinh tế

         Phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, những năm qua, cựu chiến binh (CCB) Chu Văn Nga (sinh năm 1949), khối 10, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, mô hình kinh tế của gia đình ông mang lại thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.

         Năm 1969, ông Chu Văn Nga vừa tròn 20 tuổi, tình nguyện lên đường nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Năm 1973, ông phục viên trở về quê hương và theo học chuyên ngành quản lý nhà nước, từ năm 1982 đến năm 1994, được tổ chức phân công, ông giữ chức vụ Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng, sau đó ông chuyển công tác, làm Chủ tịch HĐND phường Tam Thanh. Đến năm 1996, do kinh tế gia đình khó khăn, vợ không có nghề nghiệp ổn định, 4 con còn nhỏ nên ông xin nghỉ chế độ về phát triển kinh tế gia đình.

         Với lợi thế đất đai sẵn có, hai vợ chồng ông trồng lúa, ngô, rau xanh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà… Mặc dù chịu khó làm ăn, nhưng thu nhập đem lại cũng chẳng được là bao, kinh tế gia đình vẫn thuộc diện nghèo.

CCB nang dong phat trien kinh te

Ông Chu Văn Nga chăm sóc cây bưởi

         Ông Nga chia sẻ: Năm 2012, tình cờ xem chuyên mục “Bạn của nhà nông”, tôi thấy nhiều mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập cao, sau đó tôi chủ động đi học hỏi thêm các mô hình trồng cây ăn quả ở các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên… Căn cứ vào nhu cầu thị trường, tôi lặn lội vào miền Nam mua cây giống và mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 200 gốc ổi Đài Loan, 100 cây bưởi da xanh.

         Ban đầu, khi mới làm, ai cũng nói ông “không bình thường”,  song người có công đất chẳng phụ lòng, sau 3 năm chăm sóc, cây ăn quả của gia đình ông Nga đã cho những trái ngọt, được thị trường thành phố Lạng Sơn ưa chuộng. Từ đó đến nay, nhiều khách hàng đến tận nhà ông đặt mua. Là người đầu tiên đưa cây ổi về trồng tại địa phương, mô hình của gia đình ông Nga được nhiều CCB và bà con trong vùng đến học tập kinh nghiệm.

         Thành công từ mô hình cây ăn quả, năm 2014, ông Nga tiếp tục xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi gà (giống gà nòi chân vàng) với quy mô lớn trên diện tích 100 m2. Nhờ nuôi gối lứa, nên tháng nào gia đình ông cũng có gà bán ra thị trường. Bình quân mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 4 tấn gà, trừ chi phí thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

         Theo ông Nga, ưu điểm của giống gà nòi chân vàng là sức đề kháng cao, thịt thơm ngon, dai, xương cứng. Sau khi nuôi 5 tháng, gà sẽ đạt trọng lượng từ 2 đến 3,5 kg là có thể xuất bán.

         Không dừng lại ở đó, với sự cần cù, chịu khó, năm 2016, ông tiếp tục trồng 100 cây cam Canh và trồng thử nghiệm 20 cây bơ. Đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm theo mùa vụ cho 4 – 5 lao động là con em hội viên CCB.

         Với sự phấn đấu vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng, nhiều năm liền ông được Chủ tịch UBND thành phố, UBND tỉnh tặng giấy khen, bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: ủng hộ các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

         Ông Vi Văn Tường, Chủ tịch Hội CCB phường Tam Thanh cho biết: Với sự cố gắng, năng động trong phát triển kinh tế, CCB Chu Văn Nga là một tấm gương điển hình của Hội CCB thành phố. Không chỉ làm kinh tế giỏi mà ông Nga còn luôn sẵn sàng chia sẽ những kinh nghiệm làm giàu cho  các hội viên khác và bà con.

Nguồn: baolangson.vn