Thứ hai, 17 Tháng 6 2019 13:52

Ông Dũng làm kinh tế giỏi

         Khởi nghiệp từ nghề ươm cây giống, sau đó phát triển trồng rừng và làm xưởng bóc gỗ… đến nay, ông Trịnh Xuân Dũng, thôn Đất Đỏ, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang, một mô hình kinh tế hiệu quả với thu nhập bình quân trên 2 tỷ đồng/năm.

         Ông Dũng sinh năm 1959, quê  tại thôn Đồng Quang, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông là con thứ 5 trong gia đình có tới 12 anh em. Năm 1978, ông tham gia nghĩa vụ quân sự (đi dân công hỏa tuyến).

                   Một năm sau, hết nghĩa vụ, ông lập gia đình và chuyển sang làm công nhân lâm trường (nay là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đông Bắc). Tại đây, ông trải qua nhiều vị trí công việc như: công nhân khai thác rừng; làm công tác quản lý, bảo vệ rừng; quản lý tiểu khu; đội trưởng đội sản xuất….

Ong Dung lam kinh te gioi

Ông Trịnh Xuân Dũng kiểm tra độ ẩm của ván bóc

         Năm 1996, nhận thấy nhu cầu cây giống lâm nghiệp của bà con trong xã lớn, ông Dũng bàn với gia đình vay 20 triệu đồng để đầu tư vườn ươm. Với sự năng động, nhạy bén thị trường cùng việc vợ ông có chuyên môn và nắm chắc quy trình, kỹ thuật ươm giống nên vườn ươm của gia đình ông rất chất lượng. Tiếng lành đồn xa, mọi người mua cây giống của ông còn được hướng dẫn kỹ thuật, mật độ trồng nên lượng khách ngày một đông.

         Ông Dũng cho biết: Sau khi vườn ươm ổn định, tích lũy được chút vốn, năm 2005, vợ chồng tôi mua 10 ha đất để đầu tư trồng keo và bạch đàn. Thời điểm đó, cả hai vợ chồng vừa làm ở lâm trường, vừa lo phát triển mô hình kinh tế nên gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Hồi đó, vay vốn ngân hàng rất nhiều thủ tục rườm rà, lại phải thế chấp nên tôi vay của anh em bạn bè để có vốn quay vòng.

         Đến năm 2010, khi đó ông Dũng đang làm đội trưởng đội sản xuất, trong xã nhiều hộ không dám nhận trồng rừng. Với vai trò đội trưởng, ông đứng ra nhận khoán trồng và chăm sóc 150 ha rừng của lâm trường với phương thức trả sản phẩm cuối chu kỳ. Ông chia sẻ: Muốn phát triển rừng phải xây dựng phương án, kế hoạch, đồng thời xây dựng mức khoán phù hợp cho dân. Nếu mức công ty đầu tư (giống, phân bón, nhân công) chưa đủ, tôi cân đối và sẵn sàng bỏ thêm vốn để rừng phát triển đạt mục đích, yêu cầu.

         Cũng năm 2010, gia đình ông Dũng bắt đầu được khai thác 10 ha rừng trồng từ năm 2005. Sau khi trừ chi phí, ông có thu nhập 1,5 tỷ đồng. Có thêm vốn, ông mua thêm 50 ha rừng và đầu tư mua 2 máy chế biến để làm xưởng gỗ bóc. Từ đó, ông tạo việc làm ổn định cho 6 nhân công với thu nhập bình quân từ 10 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

         Tận dụng thế mạnh, tiềm năng từ rừng trồng của gia đình mình cùng nguồn nguyên liệu ổn định là gỗ thu mua của lâm trường, khai thác đến đâu, ông chế biến đến đó. Các sản phẩm ván bóc được ông xuất đi Ấn Độ, Đài Loan và một phần bán trong nội địa.

         Năm 2014 về hưu, và dành nhiều thời gian hơn trong việc phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, ông  đầu tư trồng thêm 250 ha bạch đàn và keo tại xã Trung Thành, huyện Tràng Định, nâng tổng diện tích rừng trồng của gia đình lên hơn 300 ha.

         Ông Nông Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Ông Trịnh Xuân Dũng hiện là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của xã với mô hình kinh tế ổn định, hiệu quả như một chuỗi khép kín từ ươm cây giống, trồng rừng đến xưởng chế biến. Mô hình kinh tế của ông đã tạo việc làm ổn định cho khoảng  50 đến 70 lao động địa phương cả làm thời vụ và quanh năm. Từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông ủng hộ từ 10 đến 40 triệu đồng để làm đường cho các thôn: Đất Đỏ, Phú Hòa, Vạn Thắng…; ủng hộ máy điều hòa cho xã… cùng nhiều đóng góp khác khi được xã phát động, triển khai.

Nguồn: baolangson.vn