Thứ tư, 29 Tháng 5 2019 09:57

Hội viên nông dân làm kinh tế giỏi

         Đó là ông Lê Bá Hải (sinh năm 1970) ở thôn Làng Cần, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng với mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

         Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Đồng Tân, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Lê Bá Hải. Ngôi nhà khang trang của ông nằm tách biệt giữa một quả đồi, xung quanh là cây ăn quả và chuồng trại chăn nuôi. Qua câu chuyện với ông, tôi càng thêm khâm phục ý chí vươn lên của ông Hải, bởi để có cơ ngơi như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng hai vợ chồng ông đã đi lên từ hai bàn tay trắng.

Hoi vien ND lam kinh te gioi

Ông Lê Bá Hải chăm sóc cây bưởi

         Ông tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1990, tôi lập gia đình rồi ra ở riêng, hai vợ chồng chỉ được chia hơn 1 sào ruộng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, càng vất vả hơn khi nuôi 3 đứa con ăn học. Trong một lần lên huyện Hữu Lũng thăm họ hàng, tôi nhận thấy địa phương có đất đai rộng, có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đến năm 1997, tôi bàn với vợ chuyển lên Lạng Sơn lập nghiệp.

         Những ngày đầu lập nghiệp nơi đất khách, hai vợ chồng ông gặp muôn vàn khó khăn. Từ số tiền vay mượn người thân, họ hàng, gia đình ông mua một mảnh đất xây dựng ngôi nhà ở tạm. Không có đất sản xuất nông nghiệp nên hai vợ chồng ông phải làm đủ thứ nghề, từ đi cày, cấy thuê rồi phụ hồ…

         Đến năm 2008, ông vay tiền Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mua một chiếc máy gặt đập liên hoàn, chuyên đi gặt thuê cho bà con trong và ngoài huyện. Từ đó, mỗi vụ cũng giúp gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình ông dần dần ổn định. Sau đó, ông mua đất đồi xung quanh nhà với tổng diện tích 4.000 m2 để trồng vải nâng cao thu nhập.

         Khi có vốn trang trải cuộc sống, ông bắt đầu suy nghĩ đến việc làm giàu, tìm hướng phát triển bền vững hơn. Năm 2015, khi cây vải không còn đem lại hiệu quả kinh tế, ông mạnh dạn phá toàn bộ diện tích vải để trồng gần 100 gốc nhãn lồng, đem lại thu nhập trên 30 triệu đồng/vụ.

         Năm 2017, ông đến tỉnh Thái Nguyên để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi gà, sau đó ông xây dựng hệ thống chuồng trại rộng khoảng 300 m2 với thiết kế khép kín và nuôi lứa gà đầu tiên với hơn 2.000 con. Tận dụng diện tích đất trồng cây ăn quả và đất đồi xung quanh nhà, ông nuôi gà thả vườn. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, ông nuôi 2 lứa (mỗi lứa trên 2.000 con), hằng năm xuất bán ra thị trường trên 4.000 con, thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

         Thời gian đầu, bên cạnh khó khăn về vốn, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật, đàn gà của gia đình ông cũng hay bị bệnh và chết nhiều. Không bỏ cuộc, ông lên mạng tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gà, học hỏi từ các mô hình khác, thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn về các triệu chứng bệnh ở gà. Nhờ đó, việc chăn nuôi gà của gia đình ông dần đi vào ổn định.

         Gà của gia đình ông Hải chủ yếu chăn bằng bột ngô và thả đồi nên thịt săn chắc, chất lượng tốt. “Tiếng lành đồn xa”,  hiện nay khách hàng ngoài huyện tìm đến tận nhà ông đặt mua, cung không đủ cầu.

         Hiện gia đình ông đang đầu tư xây dựng chuồng trại dự kiến mở rộng quy mô đàn gà lên 6.000 con/lứa. Ngoài ra, ông còn trồng  gần 100 cây bưởi Diễn, 250 gốc cam Vinh… chuẩn bị thu hoạch.

         Ông Bùi Hữu In, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tân cho biết: Xuất phát từ hai bàn tay trắng, cuộc sống khó khăn đủ bề nhưng bằng ý chí vươn lên cùng sự cần cù, chịu khó, đến nay, ông Hải đã xây dựng được mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên khác cùng phát triển kinh tế.

Nguồn: baolangson.vn