Thứ năm, 02 Tháng 5 2019 09:33

Cựu chiến binh phát triển kinh tế từ ươm cây giống

         Với đức tính cần cù, chịu khó, từ hai bàn tay trắng, cựu chiến binh (CCB) Lăng Văn Tuấn (sinh năm 1968), khối Trần Quang Khải 2, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã xây dựng được mô hình ươm cây giống, đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

         Gần 30 năm trước, CCB Lăng Văn Tuấn “bén duyên” với công việc ươm cây giống. Nhưng công việc đó chỉ thật sự trở thành một nghề và đem lại thu nhập cao cho gia đình ông từ năm 2009.

         Ông Tuấn chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Cây Đa, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan. Năm 1988, tôi cùng nhiều thanh niên khác viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và đóng quân ở xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc. Sau hơn 3 năm rèn luyện trong môi trường quân đội, năm 1991, tôi chuyển ngành sang công tác tại Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc. Sau đó, tôi lập gia đình và sinh sống tại khối Trần Quang Khải 2, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.

CCB PT KT tu uom cay giong

CCB Lăng Văn Tuấn chăm sóc cây thông giống

         Khoảng thời gian gần 20 năm (từ năm 1991 đến năm 2009) công tác tại Đội thực nghiệm sản xuất của Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc, ông đã tích lũy được cho bản thân nhiều kinh nghiệm về ươm, trồng cây lâm nghiệp. Thấy công việc vất vả nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao, đến năm 2009, ông xin nghỉ chế độ và tự mở vườn ươm cây giống riêng với mong muốn làm giàu cho gia đình.

         Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, lúc đầu, ông Tuấn chỉ mở vườn ươm cây giống trên diện tích hơn 1.000 m2 và tập trung vào một số loại cây chủ yếu như: thông, đào, mận. Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào làm, ông cũng gặp không ít khó khăn, mặc dù đã có kinh nghiệm nhưng cây giống làm ra lại không bán được, bởi mọi người chưa biết đến cũng như chưa tin tưởng vào chất lượng.

         Ông tâm sự: Khoảng 2 năm đầu tiên, gia đình tôi không thu được đồng lãi nào mà còn bị lỗ. Nhiều đêm nằm nghĩ, tôi định bỏ dở đi kiếm công việc khác nhưng ý chí của người lính cứ thôi thúc tôi vượt lên, tôi cùng vợ bàn với nhau mang cây giống ra bán lẻ tại chợ ở thành phố, rồi đi các phiên chợ huyện. Dần dần, khách mua quen rồi tìm đến tận vườn mua.

         Sau những ngày tháng khó khăn, ông tiếp tục bắt tay vào tìm hiểu kỹ hơn về quy trình sản xuất các loại cây giống, kỹ thuật ghép cây, phòng trừ sâu bệnh hại và nghiên cứu xu hướng thị trường để sản xuất. Đến nay, mô hình vườn ươm cây giống của gia đình ông Tuấn đã mở rộng về cả quy mô lẫn số lượng cây. Với tổng diện tích trên 3.000 m2, hiện tại, vườn ươm của ông có trên 20 loại cây giống khác nhau, trong đó chủ yếu là: thông, đào, mận, sưa, keo… Vườn ươm trở thành địa chỉ quen thuộc cung cấp giống cây trồng cho nhiều gia đình ở địa phương cũng như các địa bàn lân cận. Trung bình mỗi năm, gia đình ông bán ra thị trường hơn 500 nghìn cây giống. Giá bán đều ổn định từ 800 đồng – 40 nghìn đồng/cây, nhờ đó, gia đình ông Tuấn thu về trên 200 triệu đồng/năm. Vườn ươm cây giống không chỉ giúp gia đình ông có nguồn thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho 2 – 3 lao động địa phương, thời điểm nhiều từ 5 – 7 người. Là người gắn bó lâu năm với lâm nghiệp, không dừng lại ở vườn ươm cây giống, CCB Lăng Văn Tuấn còn tận dụng đất đồi ở quê (xã Đồng Giáp) trồng được hơn 4 ha rừng gồm cây thông và sưa.

         Ông Nông Văn Dương, Chủ tịch Hội CCB phường Chi Lăng cho biết: Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Tuấn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên khác. Với cố gắng, nỗ lực đó, nhiều năm liền, ông được Hội CCB thành phố tặng giấy khen. Năm 2018, Hội CCB phường đề nghị cấp giấy chứng nhận hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh hội cho ông Lăng Văn Tuấn.

Nguồn: baolangson.vn