Print this page
Thứ ba, 23 Tháng 4 2019 09:26

Hiệu quả kinh tế từ nuôi thỏ thương phẩm

         Sau vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” bởi trồng cây màu và chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1964) ở thôn Tràng Sơn 3, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn đã quyết định nuôi thỏ New Zealand, thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình nuôi thỏ thương phẩm đầu tiên cho thu nhập khá tại địa phương, được nhiều người dân đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.

Hieu qua KT tu nuoi tho thuong pham
Ông Nguyễn Văn Sơn chăm sóc đàn thỏ

         Kể lại quá trình phát triển kinh tế gia đình, ông Sơn cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi lợn và trồng ngô, tuy nhiên, giá cả năm được năm mất nên nhiều khi không có lãi. Sau thời gian tìm hiểu, đầu năm 2017, tôi quyết định cải tạo chuồng trại để nuôi thỏ New Zealand. Lúc đầu, tôi chỉ nuôi thử nghiệm 20 thỏ giống, tuy nhiên, do kinh nghiệm còn hạn chế nên thỏ sinh trưởng phát triển chậm, không có hiệu quả kinh tế. Để tích lũy kinh nghiệm, ngoài việc tìm hiểu thực tế, tôi còn tham khảo kiến thức chăn nuôi trên tivi, sách, báo, đến nay, việc chăn nuôi đã thuận lợi hơn, đàn thỏ phát triển ổn định và tăng lên gần 1.000 con.

         Theo ông Sơn, giống thỏ New Zealand có ưu điểm về khả năng sinh sản tốt, thịt thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Theo đó, một năm thỏ mẹ có thể sinh sản 5 lứa, mỗi lứa 5 – 7 con; thỏ thương phẩm từ 3 – 3,5 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 2 – 2,5 kg/con. Bên cạnh đó, thức ăn của thỏ cũng không quá cầu kỳ, ngoài cho ăn cám có thể bổ sung thêm một số loại thức ăn sẵn có như: ngô, khoai lang, rau xanh…

         Tuy nhiên, thỏ cũng rất dễ nhiễm bệnh ngoài da và đường ruột, do vậy không chỉ chú trọng tiêm phòng đầy đủ mà khâu làm chuồng trại cũng phải đặc biệt lưu tâm. Khu nuôi thỏ được ông Sơn xây dựng ở nơi thoáng mát, rộng rãi, mỗi con thỏ được thả trong một ô chuồng nhỏ chừng 0,5 m2, cách mặt đất 1,5 m. Cùng với đó, hệ thống máng ăn, máng uống nước cũng được lắp đặt khoa học để thỏ có thể ăn, uống tiện lợi và dễ dàng. Ngoài việc thay đổi chế độ ăn, uống phù hợp theo từng mùa, ông Sơn còn trang bị cả hệ thống làm mát, giữ ấm để thỏ sinh trưởng, phát triển ổn định. Hiện nay, với 100 thỏ nái, bình quân mỗi năm gia đình ông Sơn xuất bán từ 1.200 – 1.800 con thỏ thương phẩm, với giá bán dao động từ 160 – 200 nghìn đồng/con tùy loại. Sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng. Thỏ thương phẩm không chỉ bán cho các nhà hàng ở thành phố Lạng Sơn mà với những con thỏ đạt tiêu chuẩn được Công ty Nippon Zoki của Nhật Bản thu mua.

         Hiện nay, ngoài tập trung nuôi thỏ, tận dụng diện tích vườn đồi rộng, gia đình ông Sơn còn nuôi gà thả vườn, kết hợp trồng cây ăn quả các loại, cho tổng thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

         Theo đánh giá của ông Đặng Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông Sơn phù hợp với điều kiện thực tế của xã, bởi có thể tận dụng những sản phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi, đầu ra ổn định. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, ông Sơn còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống để người dân đưa thỏ thương phẩm vào chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Nguồn: baolangson.vn