Thứ tư, 24 Tháng 4 2019 01:56

Nâng hiệu quả hỗ trợ sản xuất

          Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), xã Quảng Lạc tiếp tục bắt tay vào phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nang hieu qua ho tro SX.JPG
Người dân thôn Quảng Trung 1, xã Quảng Lạc kiểm tra chất lượng đàn ong

          Gia đình bà Hoàng Thị Kiều, thôn Quảng Hồng 1 đã có kinh nghiệm trồng rau màu nhiều năm, với diện tích khoảng 6 sào, trước đây gia đình bà chỉ trồng lúa, ngô nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, trên diện tích đó gia đình bà trồng các loại rau theo thời vụ như: bí xanh, cải ngồng, cải bắp nhọn, cải dưa… Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 2018, bà tham gia Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn.

          Bà Kiều cho biết: Tham gia mô hình chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, kỹ thuật bón phân, phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ an toàn, cách ly mầm bệnh, cải tạo đất, hỗ trợ vật tư sản xuất.. nên rau sinh trưởng, phát triển rất tốt.

          Đặng Thị Ngoan, Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng cho biết: Năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, HTX được hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Mô hình được thực hiện với quy mô 3 ha với 15 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện trên 900 triệu đồng (trong đó nhà nước hỗ trợ trên 330 triệu đồng, còn lại là nhân dân đối ứng). Một số giống rau củ được sản xuất trong vụ đông như: cải làn, cải ngồng, cải hoa vàng, bắp cải, cà chua.. Sau một thời gian trồng và theo dõi, hiện nay diện tích rau của mô hình sinh trưởng, phát triển tốt. Một số loại rau đạt năng suất cao, bán ra thị trường với giá rất ổn định. Cụ thể: su hào trung bình đạt 500 kg/sào, trừ chi phí lãi 3 – 4 triệu đồng/sào; các loại rau cải làn, cải lai, ngồng bắp cải…  trung bình cho lãi 6 – 7 triệu đồng/sào. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ in bao bì, nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm nhằm tạo thương hiệu và cung cấp nông sản an toàn cho các điểm bán rau an toàn.

          Bên cạnh hỗ trợ sản xuất rau an toàn, năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã Quảng Lạc còn xây dựng được thêm các mô hình trồng cây hoa đào; hỗ trợ nâng cao chất lượng và xây dựng nhãn hiệu mật ong (tổng vốn hỗ trợ của nhà nước là gần 600 triệu đồng). Cụ thể:

          Thành lập được HTX Hoa đào Bản Cao với 15 thành viên tham gia, quy mô 3,6 ha, ước tính 1 sào trồng đào thu lãi trên 35 triệu đồng; mô hình nâng cao chất lượng và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm mật ong HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng với quy mô 200 đàn, hiện nay in nhãn mác, hoàn thiện hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

          Để các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả, thời gian qua, xã Quảng Lạc chú trọng tới việc lựa chọn các mô hình phù hợp và phát huy được thế mạnh của xã. Sau khi triển khai, xã thành lập các HTX để thực hiện, cùng với đó phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, công bố chất lượng sản phẩm…

          Ông Phạm Đình Duy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Việc xây dựng mô hình phát triển sản xuất là phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần đem lại giá trị kinh tế cao, từng bước quảng bá thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, tuyên truyền, nhân rộng, mở rộng diện tích, góp phần thay đổi nhận thức về tập quán truyền thống của người dân, hình thành dần liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm.

Nguồn: baolangson.vn