Thứ sáu, 12 Tháng 7 2019 06:27

Thiện Hòa: Phát huy thế mạnh đồi rừng

          Khởi nguồn từ các dự án hỗ trợ của nhà nước cùng với việc nhận thức được tiềm năng, thế mạnh đất lâm nghiệp và hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, từ năm 2010 đến nay, người dân xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia đã tích cực trồng và chăm sóc rừng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. 

          Xã Thiện Hòa có 8 thôn, 761 hộ với 3.500 nhân khẩu. Toàn xã có hơn 6.700 ha diện tích đất lâm nghiệp, chiếm gần 79% diện tích tự nhiên. Trước đây, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế không cao. Thậm chí, có thời gian, xã Thiện Hòa từng là điểm nóng về khai thác và đốt rừng làm nương rẫy. Nhưng, đó chỉ là câu chuyện trước đây. Ngày nay, đến với Thiện Hòa sẽ không khó để bắt gặp màu xanh của những cánh rừng hồi, keo, bạch đàn…

Thien Hoa Phat huy the manh doi rung.jpg

Người dân thôn Ba Biển, xã Thiện Hòa thu hái hồi

          Có được sự “hồi sinh” đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các dự án hỗ trợ người dân trồng rừng. Cụ thể, xuất phát từ 2 dự án là Dự án “ Phát triển cây hồi” do Hội Chữ thập tỉnh triển khai (1994-1995) và Dự án 661 (2000-2003), nhà nước hỗ trợ nhân dân cây giống để trồng cây hồi. Tuy nhiên, thời điểm đó, người dân trong xã vẫn chưa thực sự mặn mà với việc trồng rừng. Phải đến năm 2010 khi xã tiếp tục triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cùng với việc giá hồi được nâng cao, người dân mới bắt đầu chú trọng trồng và chăm sóc diện tích rừng đã trồng trước kia.

          Ông Lăng Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Thiện Hòa cho biết: Năm 2010, tổng diện tích rừng trồng của toàn xã chỉ khoảng hơn 100 ha. Để thúc đẩy kinh tế rừng phát triển, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã  tích cực tuyên truyền, vận động và định hướng người dân trồng rừng để tăng thu nhập. Đồng thời, ngay từ Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005 – 2010, xã đã đặt mục tiêu cụ thể trồng mới 250 ha rừng. Cùng với đó, từ các nguồn hỗ trợ, xã tích cực triển khai có hiệu quả  việc hỗ trợ cây giống; thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng; phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con (trung bình từ 1-2 lớp/năm), trong đó tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

          Từ năm 2010 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, mỗi năm xã được hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng (hỗ trợ cây giống) cho bà con. Từ nguồn hỗ trợ trồng cây phân tán của huyện mỗi năm xã trồng mới được từ 50.000-100.000 cây các loại. Cùng với đó, từ năm 2017, xã tiếp tục thực hiện Dự án khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung (hồi, lát, sấu), trong đó, nhân dân được hỗ trợ cây giống, phân bón và kinh phí trồng, chăm sóc cây.

          Từ các nguồn hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và sự chủ động của người dân, diện tích rừng trồng của xã ngày càng tăng. Nếu như trước đây, mỗi năm, xã chỉ trồng mới 10 – 20 ha rừng, thì từ năm 2010 đến nay, mỗi năm xã trồng mới được ít nhất từ 60 -70 ha rừng. Đặc biệt, năm 2015 và 2016, mỗi năm xã trồng mới từ 100 đến 200 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng của toàn xã hiện nay lên trên 900 ha gồm: hồi, keo, quế, mỡ… Trong xã, rừng phát triển mạnh ở các thôn: Nà Lẹng, Yên Hùng, Thâm Khôn, Ba Biển….

          Là một trong những hộ trồng rừng đầu tiên trong xã, bà Hoàng Thị Mươi, thôn Nà Đảng cho biết: Năm 2007, nhận thấy nhiều mô hình trồng rừng cho hiệu quả kinh tế, gia đình tôi mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 20 triệu đồng để trồng 2 ha cây mỡ. Năm 2014, thương lái trả giá 120 triệu đồng, tôi thấy có giá trị kinh tế cao nên từ năm 2015, cùng với việc tìm hiểu thêm, tôi tích cực mở rộng diện tích trồng keo vì nhiều ưu điểm như giữ đất và thời gian cho thu hoạch nhanh. Năm 2017, bán 2 ha cây mỡ ban đầu trồng, trừ chi phí, tôi thu được 170 triệu đồng. Từ đó, tôi có tiền mua sắm trang thiết bị phục vụ cuộc sống đồng thời có thêm vốn để tiếp tục đầu tư trồng mới rừng.

          Ngoài gia đình bà Mươi, hiện nay, trên địa bàn xã đã và đang có khá nhiều hộ phát triển kinh tế rừng và có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm như: hộ ông Triệu Văn Kim, thôn Cặm Tắm; Hứa Văn Thành, thôn Thâm Khôn; Hoàng Văn Trường, thôn Nà Đảng; Hoàng Văn Giao, thôn Nà Tàng; Nông Văn Éc thôn Thạch Lùng; Hoàng Văn Suối, thôn Ba Biển….

          Cùng với phát triển rừng, từ năm 2017,  một số hộ dân trong xã đã chủ động đầu tư xây dựng xưởng bóc gỗ, góp phần khai thác thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã là 19 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2014. Tỉ lệ hộ nghèo còn 36,5%, giảm 16% so với năm 2015.

Nguồn: baolangson.vn