Thứ sáu, 12 Tháng 7 2019 04:22

Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ

          Những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh từ các đồng cỏ tự nhiên, bãi chăn thả rộng…, người dân huyện Chi Lăng đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng bền vững. Hướng đi này đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng.

Tap trung phat trien chan nuoi gia suc an co.jpgNgười dân xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng chăm sóc đàn ngựa

          Là một trong những hộ chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, ông Hoàng Văn Cảnh, thôn Xa Đán, xã Vạn Linh cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi trâu bò theo phương thức thủ công truyền thống. Từ năm 2018, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, hiệu quả kinh tế rất cao. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, tôi nuôi khoảng 3 lứa bò, mỗi lứa từ 10-15 con; kết hợp trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn tại chỗ. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, hiện nay, trừ chi phí gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 

          Cũng chọn đầu tư chăn nuôi gia súc để tăng thu nhập cho gia đình, với lợi thế sẵn có nhiều bãi chăn thả tự nhiên, gia đình ông Nông Văn Chưng, thôn Co Hương xã Hữu Kiên chọn nuôi ngựa bạch để phát triển kinh tế. Ông Chưng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi lợn, nhưng thường có nhiều dịch bệnh, giá cả không ổn định nên từ năm 2003 đến nay gia đình tôi chuyển sang nuôi ngựa bạch. Nhờ tận dụng diện tích đồi cỏ nên việc chăn thả ngựa bạch khá thuận lợi. Hiện nay, gia đình tôi thường xuyên duy trì đàn ngựa bạch khoảng 18 con, hằng năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi ngựa.

          Không chỉ riêng 2 gia đình kể trên mà hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chi Lăng cũng đã và đang tập trung vào việc phát triển đàn gia súc, đem lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, tổng đàn gia súc ăn cỏ của toàn huyện đạt 27.366 con. Trong đó, đàn trâu 12.688 con, đàn bò có 7.550 con, đàn dê 5.350 con; đàn ngựa có 1.778 con…

          Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trong những năm qua, đàn gia súc ăn cỏ trên địa bàn huyện được duy trì và phát triển. Trong đó, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện từng bước quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như: chăn nuôi trâu, bò (ở các xã: Bằng Mạc, Thượng Cường, Gia Lộc, Vạn Linh, Quan Sơn, Mai Sao, Bằng Hữu); chăn nuôi ngựa (Hữu Kiên); chăn nuôi dê (Vân An, Chiến Thắng)… Thời gian tới, trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, phòng tham mưu cho huyện chỉ đạo và khuyến cáo bà con tăng cường tập trung phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm, đặc biệt là tập trung phát triển đàn bò để tăng sản lượng. Đồng thời, chủ động trồng cỏ voi để hỗ trợ thêm nguồn thức ăn cho gia súc nhất là mùa đông.

          Để đàn gia súc ăn cỏ trên địa bàn huyện phát triển ổn định, bền vững, cùng với việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi thì công tác tiêm phòng cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Hằng năm, công tác tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và phun tiêu độc khử trùng đều thực hiện 2 lần/năm. Nhờ thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nên đàn gia súc ăn cỏ trên địa bàn huyện chỉ xuất hiện một vài bệnh lẻ tẻ và luôn được khống chế kịp thời, không phát sinh thành dịch.

          Bên cạnh đó, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển đàn gia súc, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào thực tế. Chỉ riêng từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức được 63 lớp tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho gần 2.900 lượt người.

          Từ sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành chức năng, sự chủ động của người dân, phong trào phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có những kết quả tích cực. Đời sống người dân ngày càng ổn định, thu nhập từng bước được nâng cao. Đồng thời, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 13,7%, giảm  gần 10% so với năm 2015.

Nguồn: Baolangson.vn