Thứ sáu, 04 Tháng 1 2019 09:36

Thành phố Lạng Sơn hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất

          Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thành phố Lạng Sơn đã hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

          Kết thúc năm 2016, 3/3 xã của thành phố Lạng Sơn đều đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Không dừng lại ở việc đạt chuẩn, thời gian qua, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã tập trung duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, nội dung quan trọng được chỉ đạo triển khai thực hiện là tập trung xây dựng, hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất.

          Ông Phạm Công Cường, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, các xã tổ chức thông báo rộng rãi, công khai về chương trình hỗ trợ đến nhân dân. Sau khi thông báo, rà soát, các xã lựa chọn mô hình để hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tiễn.

TPLS ho tro phat trien mo hinh sx.jpg

Người dân thôn Quảng Trung 1, xã Quảng Lạc kiểm tra sinh trưởng  của đàn ong mật

          Do có sự chủ động, lựa chọn kỹ nên các mô hình được chọn hỗ trợ phát huy được hiệu quả, qua đó không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà các mô hình này còn từng bước được nhân rộng.

          Ông Hoàng Văn Hưng, Trưởng thôn Quảng Hồng 1, xã Quảng Lạc cho biết: Những năm gần đây, đào trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của một số hộ dân trong thôn. Năm 2018, các hộ trồng đào đã liên kết và thành lập Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp hoa đào Bản Cao với 15 thành viên tham gia. Với sự hỗ trợ của nhà nước (gần 140 triệu đồng) và nguồn đối ứng của các hộ dân, diện tích cây đào của hợp tác xã được trồng và chăm sóc là 3,6 ha. Trong đó, nhà nước hỗ trợ: vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán…Qua đó giúp các thành viên trong hợp tác xã có thêm điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bình quân thu nhập từ trồng đào khoảng 30 – 40 triệu đồng/sào/năm.

          Tương tự Quảng Lạc, năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã Hoàng Đồng lựa chọn mô hình trồng cây ăn quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nà Trang (gồm 44 hộ dân ở các thôn: Nà Pàn, Nà Sèn – Tổng Huồng với diện tích 10,4 ha) để hỗ trợ phát triển.

          Bà Hoàng Thị Kim, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Cây ăn quả chủ yếu của hợp tác xã là: ổi, cam, quýt, bưởi. Bên cạnh hỗ trợ vật tư nông nghiệp phục vụ cho việc trồng, chăm sóc cây ăn quả thì một nội dung hỗ trợ rất thiết thực chính là bao bì, nhãn mác sản phẩm. Bởi nếu chỉ hỗ trợ vật tư thì tự hợp tác xã cũng có thể chủ động đầu tư, nhưng đối với bao bì, nhãn mác sản phẩm thì tự hợp tác xã rất khó thực hiện. Thông qua việc hỗ trợ của nhà nước, đã tạo động lực quan trọng giúp hợp tác xã vươn lên phát triển, tăng thêm thu nhập cho thành viên. Hiện nay diện tích ổi của hợp tác xã cho thu nhập 12 – 15 triệu đồng/sào.

          Cùng với 2 mô hình kể trên, năm 2018 trên địa bàn, thành phố còn hỗ trợ một số mô hình sản xuất khác như: mô hình nâng cao chất lượng  và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm mật ong, mô hình sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm ở xã Quảng Lạc.

          Trước đó, từ năm 2016 đến 2017, thành phố đã hỗ trợ 12 mô hình phát triển sản xuất ở 3 xã: Mai Pha, Hoàng Đồng và Quảng Lạc. Các mô hình được triển khai đã phát huy được thế mạnh từng vùng, qua đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

          Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân. Không những vậy, từ hiệu quả của các mô hình điểm giúp người dân từng bước nhân rộng các mô hình, điển hình như mô hình sản xuất rau an toàn; mô hình trồng đào cảnh; mô hình phát triển chăn nuôi. Qua đó, 3 xã của thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, đời sống vật chất, tinh thần người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao.

Nguồn: Baolangson.vn