Print this page
Thứ bảy, 23 Tháng 10 2021 16:30

Bắc Sơn: Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP

          Từ năm 2019 đến nay, huyện Bắc Sơn có 4 sản phẩm được cấp có thẩm quyền công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) gồm: quýt vàng Bắc Sơn, gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn, bánh chưng đen và rượu men lá suối Mỏ Mắm. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh (quýt vàng Bắc Sơn, gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn). Để nâng cao chất lượng, giá trị của các sản phẩm này, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn triển khai nhiều giải pháp.

        Ông Lộc Quang Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Số lượng sản phẩm OCOP của huyện chưa nhiều nhưng phương châm của huyện là không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng để tăng hiệu quả, tạo tính bền vững cho sản phẩm OCOP.

 bac son

Bánh chưng đen được gói tại hội chợ thương mại vào tháng 2/2021 trên địa bàn thành phố Thái Nguyên

        Theo đó, bên cạnh việc hỗ trợ về bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở, UBND huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình hỗ trợ về khoa học, công nghệ cho các HTX, cơ sở tư nhân có sản phẩm OCOP thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tập huấn cho bà con nông dân trong việc xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp (quýt, lúa nếp) đảm bảo đúng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm…

        Ông Dương Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Bắc Sơn (thôn Đông Đằng, xã Bắc Quỳnh) cho biết: Từ khi sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh (năm 2019), HTX đã được huyện hỗ trợ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm. Năm 2020, sản lượng gạo tiêu thụ của HTX đã được gần 400 tấn. Thời điểm này, Phòng NN&PTNT huyện  tiếp tục đồng hành cùng với HTX trong việc nâng cao chất lượng của sản phẩm. Theo đó, cán bộ chuyên môn của phòng NN&PTNT huyện thường xuyên theo sát vùng trồng lúa nếp tại xã Bắc Quỳnh, hướng dẫn người dân quy trình trồng, chăm sóc để sản phẩm gạo nếp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm…

        Về nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ông Dương Công Hành, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm rượu men lá Mỏ Mắm chia sẻ: Sau khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, gia đình tôi tiếp tục quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tiếp tục đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng công suất, sản lượng. Cụ thể, sản phẩm rượu đã được chưng cất theo quy trình sản xuất áp dụng hệ thống lọc công nghệ RO (thẩm thấu ngược), qua đó nhằm loại bỏ một số chất như andehit, methanol… để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Cùng đó, khâu xử lý chai trước khi hoàn thiện thành phẩm cũng được cho vào hệ thống máy sấy, hút…

        Nhờ chú trọng đến chất lượng, giá trị của các sản phẩm OCOP trong thời gian qua đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước đó. Như sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn, trước giá chỉ ở mức 18 đến 20 nghìn đồng/kg thì nay hiện giá đã tăng lên 30 đến 35 nghìn đồng/kg; sản phẩm rượu men lá suối Mỏ Mắm (sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020) nay có giá 70 nghìn đồng/lít, tăng 40 nghìn đồng/lít so với trước năm 2020… Điều này chứng minh rõ cho hướng đi đúng đắn của huyện Bắc Sơn nhằm nâng cao chất lượng cũng như giá trị gia tăng của các sản phẩm OCOP địa phương.

        Tin rằng, với những giải pháp mà huyện huyện đã đề ra, trong thời gian tới, các sản phẩm OCOP của Bắc Sơn sẽ ngày càng được nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Nguồn: baolangson.vn