Print this page
Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 08:45

Liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP: Cách làm tại Hữu Lũng

          Tính đến nay, toàn tỉnh có 30 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Tại Hữu Lũng, các cơ sở, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP đã chủ động tìm đến các nhà hàng, trạm dừng nghỉ trên địa bàn để liên kết tiêu thụ. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

          Cơ sở sản xuất nem nướng Khôi Loan (thôn Rừng Dong, xã Đồng Tân) là một trong những cơ sở chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trung bình, mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 100 chiếc nem nướng, cao điểm vào dịp tết sản xuất khoảng 500 chiếc. Trong số đó, lượng sản phẩm bán được thông qua liên kết với các nhà hàng, trạm dừng nghỉ chiếm 50 – 70%.

t3.lien ket tieu thu ocop

Chủ cơ sở Nem nướng Khôi Loan đóng gói sản phẩm để giao cho nhà hàng

          Bà Mai Thị Loan, chủ cơ sở nem nướng Khôi Loan cho biết: Năm 2020, sản phẩm nem nướng của gia đình đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ban đầu, chúng tôi liên kết với một trạm dừng nghỉ trên địa bàn và bán được khoảng 30 sản phẩm/ngày. Lượng khách tại trạm dừng nghỉ thường khá đông, vì thế, sản phẩm của gia đình ngày càng được nhiều người biết đến. Đến nay, tôi đã mở rộng liên kết với 3 điểm tiêu thụ trên địa bàn gồm: 1 nhà hàng, 1 trạm dừng nghỉ và 1 cơ sở kinh doanh. Nhờ đó, đầu ra sản phẩm tương đối ổn định.

          Cùng với các cơ sở sản xuất, các chủ nhà hàng, trạm dừng nghỉ cũng rất quan tâm đến việc quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương. Trạm dừng nghỉ Thùy Linh (xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng) là một trong các cơ sở như vậy. Trung bình, mỗi ngày, tại đây bán được khoảng 30 sản phẩm nem nướng Khôi Loan. Đồng thời, vào mùa thu hoạch na, tại đây tiêu thụ từ 1 đến 2 tấn na OCOP mỗi ngày từ các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn.

          Bà Trần Thúy Bẩy, chủ trạm dừng nghỉ Thùy Linh cho biết: Các sản phẩm OCOP thường được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa thích, chọn mua làm quà. Sản phẩm có chất lượng cao và có tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ, rõ ràng nên khách hàng rất yên tâm. Không chỉ các sản phẩm OCOP, chúng tôi còn tập trung kinh doanh các sản phẩm đặc sản của địa phương như: măng ớt, bánh chưng cẩm… và quảng bá các sản phẩm bằng cách tư vấn cho khách hàng và sử dụng các biển quảng cáo.

          Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng, hiện nay, huyện có 5 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 3 sao (nem nướng Khôi Loan; na của Hợp tác xã Hòa Lạc; na của Hợp tác xã Yên Sơn) và 2 sản phẩm đạt 4 sao (na của hợp tác xã Cai Kinh và rượu Mỏ Heo). Tính đến nay, có 7 nhà hàng và trạm dừng nghỉ trên địa bàn nhập các sản phẩm OCOP để bán. Với các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ qua các nhà hàng, trạm dừng nghỉ đạt từ 20% đến 50% sản lượng mỗi ngày.

          Để phát triển bền vững các sản phẩm OCOP, Phòng NN&PTNT huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân ý nghĩa, lợi ích của chương trình OCOP. Đồng thời, tập huấn cho các chủ cơ sở có sản phẩm OCOP về nâng cao chất lượng, phát triển thị trường. Mỗi năm, các chủ cơ sở được tham gia từ 5 đến 7 lớp tập huấn do huyện và tỉnh tổ chức về các nội dung trên. Nhờ đó, các chủ cơ sở đều chủ động liên kết tiêu thụ, phát triển thị trường.

          Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng: Các nhà hàng, trạm dừng nghỉ là một trong những kênh tiêu thụ tiềm năng đối với sản phẩm OCOP. Để việc tiêu thụ đạt hiệu quả hơn nữa, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về chương trình OCOP cho cả người sản xuất và cơ sở tiêu thụ. Đồng thời, đơn vị mong muốn các cấp, ngành của tỉnh sẽ phát triển thêm các gian hàng, hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của tỉnh. Qua đó, giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh nói chung và của huyện Hữu Lũng nói riêng có nhiều cơ hội để quảng bá đến khách hàng trong và ngoài tỉnh, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm.

          Có thể thấy rằng, việc tận dụng các thế mạnh của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP như tại Hữu Lũng rất đáng để các địa phương khác học hỏi. Bởi lẽ, việc đưa một sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP cần phải gắn liền với việc xây dựng các kế hoạch để liên kết, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đó.

Nguồn: baolangson.vn